Một DN hàng không cho biết đã lấy được khách hàng lớn của đối thủ cạnh tranh duy nhất, hưởng lợi từ khủng hoảng Biển Đỏ

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service, mã chứng khoán SCS), ban lãnh đạo của công ty cho biết hãng hàng không Qatar Airways sẽ chuyển từ hợp tác với CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) sang SCS từ tháng 2/2024.

SCS là công ty khai thác nhà ga hàng hóa hàng không tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Công ty này hoạt động trong thị trường độc quyền chỉ có một đối thủ duy nhất là TCS - công ty con của Vietnam Airlines. SCS đang nắm giữ 45% thị phần sản lượng hàng hóa quốc tế tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Báo cáo phân tích của CTCK VietCap cho biết, Qatar Airways đã thảo luận về kế hoạch hợp tác này từ năm 2022 khi TCS dần sử dụng hết công suất khả dụng. Qatar Airways có thể đóng góp 40.000 tấn thông lượng hàng hóa mỗi năm.

Vào năm 2023, SCS xử lý 190.000 tấn hàng hóa, bao gồm thông lượng hàng hóa quốc tế 137.000 tấn. Như vậy, khách hàng lớn mới Qatar Airways có thể giúp SCS tăng thêm hơn 20% thông lượng hàng hóa so với năm 2023.

SCS đặt kế hoạch thông lượng năm 2024 là 248.000 tấn, bao gồm thông lượng quốc tế là 190.000 tấn.

VietCap cũng đánh giá, SCS đang được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, vốn khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng cao và từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với vận tải hàng không.

BCTC quý 4/2023 công bố mới đây của SCS cho biết doanh thu thuần đạt 199 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo cập nhật của CTCK VNDirect, trong quý này, sản lượng hàng hóa quốc tế của SCS đạt 39.173 tấn, tăng 15% so với quý trước và 6,4% so với cùng kỳ, đánh dấu bước khởi đầu của xu hướng phục hồi dự kiến. Sản lượng hàng hóa nội địa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng 21% so với quý trước và 27% so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi của sản xuất trong nước.

Mặc dù tổng sản lượng hàng hóa tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ nhưng giá bán trung bình lại giảm 8,5%. Điều đó dẫn đến việc doanh thu chỉ tăng nhẹ.

Đáng chú ý, giá vốn hàng bán bất ngờ tăng 77% lên 54 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 12% còn 144 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp từ 84% xuống 73% và vẫn là tỷ suất lợi nhuận gộp cao top đầu sàn chứng khoán. Lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng, giảm 18%.

Biên lợi nhuận gộp của SCS bị thu hẹp là do 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, theo cơ chế nhượng quyền mới của Bộ Giao thông vận tải, SCS sẽ phải trả thêm 1,5%-4,5% doanh thu vận tải hàng không cho Nhà nước. Tuy nhiên SCS đã ghi nhận toàn bộ chi phí nhượng quyền khai thác hàng không cho năm 2023 trong quý 4.

Thứ 2, tỷ trọng hàng hóa nội địa tăng, trong khi phí xếp dỡ hàng hóa nội địa thấp hơn nhiều so với hàng hóa quốc tế. Hàng hóa nội địa chiếm 27% tổng sản lượng Q4/23 so với mức 23% trong Q4/22.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của SCS giảm 17% xuống 705 tỷ cộng thêm khi chi phí giá vốn tăng khiến biên lãi giảm từ 82% xuống 76%. Lợi nhuận ròng cả năm 2023 giảm 23% xuống còn gần 500 tỷ đồng.

photo-1708256360797

 Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 860 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 11% so với thực hiện năm trước. Như vậy dù đã thận trọng song công ty vẫn chỉ hoàn thành 92% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Saigon Cargo Service đạt 1.703 tỷ đồng, tăng 147 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm đến 62% tài sản là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tương đương gần 1.100 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn