Một doanh nghiệp dệt may sắp chia cổ tức gấp 10 lần thị giá
HĐQT Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết (mã chứng khoán: PTG) vừa công bố nghị quyết thống nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 50%, tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu sẽ nhận 5.000 đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông là 13/5 và thanh toán vào 13/6.
Với hơn 4,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp này sẽ dành khoảng 25 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức.
Quyết định này được đưa ra sau khi đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty thông qua phương án chia cổ tức năm nay 20-100% vốn điều lệ, tức tổng mức chia cổ tức có thể lên đến 50 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết hiện ở mức 500 đồng, tăng 20% so với mức 400 đồng hồi đầu năm. Điều này đồng nghĩa giá trị cổ tức tạm ứng mà cổ đông sắp nhận cao gấp 10 lần thị giá. Đây là mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này bởi việc chia cổ tức trong nhiều năm khiến thị giá điều chỉnh về mức rất thấp.
Cổ tức hấp dẫn, nhưng cổ phiếu PTG gần như không có thanh khoản bởi chỉ có 287 cổ đông (theo báo cáo thường niên 2023). Lần gần nhất cổ phiếu của công ty ghi nhận khớp lệnh thành công là đầu tháng 2 năm nay với 45.000 cổ phiếu được sang tay.
Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết giao dịch trên sàn chứng khoán từ năm 2010 với thị giá 10.000 đồng. Công ty hiện có vốn điều lệ xấp xỉ 50 tỷ đồng và luôn duy trì cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn.
Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 460 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 57,4 tỷ đồng và sau thuế đạt 46,7 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với cùng kỳ. Tỷ lệ cổ tức năm ngoái là 20%, tương ứng công ty dành 10 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 506 tỷ đồng, tăng 9,87% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 56,8 tỷ đồng và sau thuế đạt 45,5 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo cho biết mục tiêu này được xây dựng dựa trên nhận định tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó đoán và thiên tai, dịch bệnh bất thường có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó, công ty nhận định việc cạnh tranh đơn hàng gia công ngành may với các nước đang phát triển ở châu Á ngày càng gay gắt và việc thiếu lao động có tay nghề cũng tác động không nhỏ. Tuy nhiên, công ty cũng nhìn nhận có một số yếu tố thuận lợi như hình ảnh và vị thế Việt Nam ngày càng tăng, vị trí địa lý thuận lợi nên nhiều khả năng sẽ có chuyển biến tích cực về đơn hàng.
Xem thêm tại baodautu.vn