Một doanh nghiệp xi măng bỏ ngỏ khả năng trả khoản nợ gốc và lãi hơn chục nghìn tỷ với hai ngân hàng
CTCP Xi măng Công Thanh thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng năm 2006 và đạt 900 tỷ đồng cuối tháng 6. Trong đó, ông Nguyễn Công Lý - Chủ tịch HĐQT nắm 57,2% vốn, CTCP Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai sở hữu 10%, Financiere Lafarge SA nắm 5%.
Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất clinker, xi măng, vôi và thạch cao.
Doanh nghiệp có một nhà máy xi măng đặt ở trụ sở chính tại tỉnh Thanh Hoá với hai dây chuyền sản xuất chính. Dây chuyền 1 là dây chuyền sản xuất clinker, dây chuyền 2 bao gồm dây chuyền sản xuất clinker và dây chuyền sản xuất xi măng.
Ngoài ra, công ty còn được cấp quyền khai thác một số mỏ khoáng sản tại tỉnh Thanh Hoá gồm: Mỏ đá vôi có diện tích 73,88 ha, mỏ đất sét 133,4 ha và mỏ đá bazan 5,49 ha.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 được soát xét bởi Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam vừa công bố, nửa đầu năm, Xi măng Công Thanh đạt 90 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh thị trường xi măng trong nước có nhiều biến động, cung vượt cầu, nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp, xuất khẩu cạnh tranh lớn với các nước láng giềng.
Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty ghi nhận khoản lợi nhuận gộp âm 156 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 141 tỷ.
Chi phí lãi vay lên tới 547 tỷ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Xi măng Công Thanh âm 742 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, cùng kỳ 2023 lỗ 609 tỷ đồng.
Kiểm toán từ chối đưa ra kết luận cho báo cáo soát xét bán niên
Việc liên tục thua lỗ khiến khoản lỗ luỹ kế của doanh nghiệp tính tới ngày 30/6 tăng lên 8.647 tỷ đồng. Khoản lỗ lớn khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm tới 7.747 tỷ đồng cuối quý II.
Quy mô tài sản của doanh nghiệp còn 11.811 tỷ đồng tại ngày 30/6, nằm chủ yếu ở tài sản cố định (91%). Công ty còn hơn 14 tỷ đồng tiền mặt. Vốn lưu động của công ty âm 2.909 tỷ cuối tháng 6.
Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 7.321 tỷ bao gồm 5.098 tỷ vay dài hạn. Chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh là Ngân hàng VietinBank với tổng dư nợ 4.650 tỷ với 3.259 tỷ vay dài hạn. Một khoản trái phiếu trị giá 543 tỷ với trái chủ VietinBank.
Các khoản vay với VietinBank đều để đầu tư dự án dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh, có lãi suất dài hạn 11% và 8%/năm và có tài sản đảm bảo.
Tại ngày 30/6, công ty có khoản vay dài hạn đã quá hạn thanh toán với số tiền 1.192 tỷ đồng và khoản vay trái phiếu quá hạn gần 443 tỷ đồng với VietinBank. Khoản vay ngắn hạn đã quá hạn với Ngân hàng SHB là 287 tỷ đồng.
Tổng số tiền lãi vay ngắn hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này là 388 tỷ và tổng tiền lãi vay dài hạn quá hạn thanh toán là 10.558 tỷ đồng.
Theo công văn của VietinBank ngày 19/6/2017 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn và trái phiếu, Xi măng Công Thanh phải thanh toán nợ, gốc vay dài hạn (bao gồm cả gốc khoản vay và gốc trái phiếu) đến hết năm 2035.
Đối với nợ lãi vay dài hạn (bao gồm cả lãi khoản vay và lãi trái phiếu), công ty phải thanh toán theo lịch: Đối với lãi vay phải trả luỹ kế tới cuối năm 2016 được phân bổ trả từ 2020 - 2026; đối với lãi vay phát sinh hàng năm từ 2017 đến 2035 được phân bổ và trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 đến 2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa trả do chênh lệch giữa lãi phát sinh thực tế với số tiền trả nợ theo lịch cơ cấu sẽ được trả vào 2035.
Ngoài ra, doanh nghiệp có khoản dư nợ từ trái phiếu 2.383 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Đây là các khoản trái phiếu thường nhằm mục đích đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xi măng Công Thanh - dây chuyền 2 tại Thanh Hoá.
Những yếu tố trên khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh.
Phía ban tổng giám đốc Xi măng Công Thanh cho hay công ty có thể tiếp tục hoạt động liên tục vì có thể tạo ra dòng tiền thuần để đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động và trả một phần khoản vay với các ngân hàng. Công ty cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng thêm vốn nhằm mục đích trả khoản vay ngân hàng cũng như huy động thêm sự hỗ trợ tài chính từ nhà đầu tư mới và chủ nợ mới.
Tuy nhiên phía kiểm toán cho rằng ban tổng giám đốc không thể xác định hoặc đánh giá thời điểm huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư mới để hoàn thành kế hoạch thanh toán cho các ngân hàng.
Hơn nữa, kiểm toán cũng không thể xác định các điều chỉnh cần thiết đối với khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn, khoản phải thu ngắn hạn khác, phải thu dài hạn khác và phải thu về cho vay dài hạn. Do đó Kiểm toán DFK từ chối đưa ra kết luận cho báo cáo soát xét bán niên của Xi măng Công Thanh.
Xem thêm tại vietnambiz.vn