Một năm trả nợ của bầu Đức
2023 tiếp tục là một năm ghi nhận nhiều thay đổi của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Sau 10 năm xoay vần, 2022 là thời điểm bầu Đức (Chủ tịch HAGL – ông Đoàn Nguyên Đức) tìm thấy “công thức” kinh doanh gồm chuối, sầu riêng và nuôi heo. Đây cũng là năm HAGL quay trở lại mốc lãi ngàn tỷ (ngang ngửa với thời hoàng kim), dù không đến từ hoạt động kinh doanh chính.
Sang năm 2023, có thể xem là thời điểm bầu Đức quyết tâm giảm mạnh nợ, “làm đẹp” Báo cáo tài chính. Động thái này càng ráo riết hơn sau khi Tập đoàn đón chào nhà đầu tư chiến lược lớn là LPBank cùng LPBS.
Nhìn lại một năm bán loạt tài sản quý và trả nợ của bầu Đức, mới nhất ngày 30/12/2023, HAGL công bố nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai . Sau khi hoàn tất giao dịch, Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ không còn là công ty liên kết của Tập đoàn.
Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai với thương hiệu heo ăn chuối Bapi ra đời vào năm 2022, đánh dấu sự hợp tác giữa HAGL và Công ty dược phẩm Đông Á. Công ty có trụ sở tại Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ban đầu khi mới thành lập, Bapi có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, HAGL góp 27,5 tỷ đồng (tỷ lệ 55%) vốn điều lệ tại Công ty.
Việc bán vốn tại thương hiệu thịt Bapi diễn ra chỉ sau vài ngày HAGL thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần, tương đương 99% tỷ lệ sở hữu tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai , mệnh giá 10.000 đồng/cp để trả nợ gốc trái phiếu 2016.
Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai có trụ sở tại đường Lê Duẩn, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai, là bệnh viện đa khoa được thành lập dựa trên sự hợp tác của hai thương hiệu lớn: Bệnh viện ĐHYD TP.HCM và HAGL. Hiện nay, bệnh viện có 11 Khoa Nội trú, 6 Phòng chức năng và 20 Phòng khám chuyên khoa.
Đáng chú ý nhất là thương vụ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 đường Phù Đổng, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng – đây được xem là một trong những bất động sản cuối cùng còn lại của Tập đoàn.
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được biết đến là khách sạn tiêu chuẩn bốn sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, nằm ngay quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, hoạt động từ cuối năm 2005, công suất 117 phòng. Bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai mới thành lập từ ngày 20/6.
Về dư nợ hiện tại, tính đến 30/9/2023, tổng nợ phải trả của HAGL vào mức 7.800 tỷ đồng. Còn theo số liệu bầu Đức chia sẻ mới đây, tính đến thời điểm giữa tháng 12, HAGL chỉ còn nợ khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 22.000 tỷ so với mức đỉnh điểm năm 2016.
Để có được con số này, trước năm 2023, bầu Đức đã liên tiếp bán loạt tài sản gồm dự án bất động sản, cổ phiếu HAG, toàn bộ dự án tại Myanmar, mảng thủy điện... Lớn nhất trong số này là việc bán cổ phần CTCP HAGL Agrico (HNG) - công ty thành viên lớn nhất trong hệ sinh thái - cho Thaco vào năm 2020.
Trong đó, cơ cấu vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn của HAGL chiếm chủ yếu vẫn là trái phiếu doanh nghiệp, vốn ngân hàng. Các ngân hàng là chủ nợ của HAGL bao gồm Eximbank, Sacombank, TPBank... Chi phí tài chính Công ty ghi nhận vào khoảng 4.794 tỷ đồng.
Riêng với Eximbank, HAGL gây chú ý với thông báo miễn giảm nợ lãi từ Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản (Eximbank AMC), tổng số tiền lãi của các khoản vay HAGL được miễn giảm là gần 1.425 tỷ đồng . Công ty con của Tập đoàn là Chăn nuôi Gia Lai cũng vừa thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.
Với ưu tiên số 1 của HAGL là trả nợ, tại Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư chiều 15/12, bầu Đức còn tuyên bố: "Chúng tôi nỗ lực tháng 6/2024 sẽ xóa lỗ lũy kế, năm 2026 sẽ trả hết nợ và trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động".
Xem thêm tại cafef.vn