Một tỉnh dọn sẵn gần 237ha đất tại cảng nước sâu, mời gọi đầu tư nhà máy thép HRC 32.000 tỷ đồng

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành thông báo mời đầu tư dự án Nhà máy thép xanh Chân Mây. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 236,5ha tại khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Mục tiêu là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) và thép kỹ thuật chất lượng cao, với công suất khoảng 3 triệu tấn sản phẩm/năm.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 32.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án tối thiểu là 15% tổng vốn đầu tư.

Thời hạn hoạt động của dự án tối đa 70 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án sẽ được khởi công vào quý III/2025 sau khi hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thời gian hoàn thành dự án đưa vào hoạt động là quý II/2028.

Nước thải sản xuất phải được tái sử dụng 100%, không thải ra môi trường. Nguyên liệu sử dụng bao gồm gang thỏi, thép phế, sắt xốp đóng bánh, không sử dụng quặng sắt và các loại quặng khác. Dự án sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các nước phát triển như Châu Âu, G7, G20; tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; sử dụng điện và nhiên liệu sạch (khí tự nhiên LNG, LPG) trong quá trình sản xuất.

Thời hạn nhà đầu tư nộp hồ sơ về Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế là trước 16h ngày 26/9/2024.

Một tỉnh dọn sẵn gần 237ha đất tại cảng nước sâu, mời gọi đầu tư nhà máy thép HRC 32.000 tỷ đồng
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sở hữu cảng nước sâu tạo lợi thế cho việc phát triển

3 ông lớn sản xuất HRC đều đã có "bến đỗ"

Tại Việt Nam, hiện chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất được thép HRC là Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Formosa Hà Tĩnh sở hữu Nhà máy gang thép và cảng Sơn Dương với tổng diện tích 3.318ha, bao gồm 2.025ha đất liền và 1.293ha mặt nước. Dự án nằm cạnh cảng nước sâu Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Formosa đang phải chịu lỗ trong vài năm gần đây do áp lực cạnh tranh về giá, nhà máy cũng hoạt động chưa hết công suất.

Tập đoàn Hòa Phát sở hữu Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2, với vốn đầu tư lần lượt là 86.000 tỷ đồng và 85.000 tỷ đồng tại cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án nhà máy thép trị giá 85.000 tỷ đồng sắp tới của Hòa Phát dự kiến sẽ đặt tại khu công nghiệp Hòa Tâm, cạnh cảng Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên.

Tập đoàn Xuân Thiện cũng tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất thép, bao gồm thép HRC, thông qua Tổ hợp dự án thép xanh tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, với quy mô 98.900 tỷ đồng và công suất 9,5 triệu tấn sản phẩm thép/năm. Hiện tại, tỉnh Nam Định đang tập trung chỉ đạo thực hiện các thủ tục thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để giao cho nhà đầu tư triển khai dự án theo quy định.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn