Mua bán sáp nhập bất động sản dự báo sôi động trở lại

Từ đầu năm tới nay, huy động vốn trên sàn đang là một trong những hoạt động nổi bật của các công ty bất động sản nhằm tái cấu trúc nợ vay, đáp ứng các nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước và chi phí phát triển dự án tăng cao.

Đơn cử như NovaLand có kế hoạch chào bán 1,17 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dưới dạng quyền mua từ quý II đến quý IV/2024. Qua đó, vốn điều lệ của công ty có thể tăng từ 19.501 tỷ đồng lên hơn 31.200 tỷ đồng.

Nhà Khang Điền dự kiến trong năm nay phát hành riêng lẻ hơn 110 triệu cổ phiếu cho 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 27.250 đồng/cp, huy động 3.000 tỷ đồng.

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng khối lượng là 200 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

CTCP tập đoàn Đất Xanh cũng dự kiến chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá chào bán tối thiểu là 12.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ chào bán là 24:5.

Đất Xanh cũng sẽ chào bán 93,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá tối thiểu 18.600 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất cả hai phương án, công ty sẽ huy động được hơn 3.500 tỷ đồng, đồng thời nâng vốn điều lệ từ hơn 7.2000 tỷ đồng lên gần 9.650 tỷ đồng.

CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt cũng có kế hoạch chào bán 134,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty có thể tăng từ 7.388 tỷ đồng lên 8.730 tỷ đồng.

Trong khi hoạt động phát hành tăng vốn sôi nổi, thị trường địa ốc chưa ghi nhận thương vụ M&A dự án bất động sản quy mô, giá trị lớn nào. 

Trong quá khứ, đây là cách nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vượt qua khó khăn. Ngay thời điểm này năm ngoái, giao dịch M&A khá sôi động khi loạt doanh nghiệp ngoại chi hàng triệu USD để mua lại một phần hoặc toàn bộ các dự án của doanh nghiệp nội.

Có thể kể tới thương vụ Gamuda mua dự án ở TP. Thủ Đức với giá hơn 300 triệu USD, Capitaland mua một phần dự án rộng 5,6 ha tại khu Smartcity Tây Mỗ của Vinhomes…

Các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản dự kiến sẽ sớm sôi động lại. Chứng khoán MB (MBS) mới đây nhận định, hoạt động mua bán sáp nhập các dự án bất động sản sẽ đóng góp một phần quan trọng với thị trường ở nửa cuối năm 2024.

Theo nhóm phân tích MBS, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản còn yếu và chưa tiếp cận được vốn, trong khi chi phí phát triển dự án ngày càng tăng. Vì vậy, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực sẽ giúp họ duy trì hoạt động.

Cùng đó, MBS nhận định biến động lãi suất của Mỹ đã giảm đi đáng kể. Theo đánh giá của CME Fedwatch Tool, khoảng 63% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thông qua chính sách lãi suất vào tháng 11.

Mặc dù lãi suất tại Mỹ có thể giữ ở mức cao trong một thời gian dài hơn dự kiến, MBS cho rằng các biến động lãi suất đã giảm đi rất nhiều và sẽ giúp bên mua dễ dàng hơn trong việc sắp xếp nguồn vốn để thực hiện thương vụ trong tương lai.

Tuy nhiên, đối tượng của các thương vụ M&A vẫn sẽ chỉ tập trung tại các dự án đã có tình trạng pháp lý rõ ràng, chất lượng tốt và nhiều tiềm năng để phát triển dự án.

Bên cạnh các khu đô thị lớn, trung tâm như Hà Nội và TP.HCM, một số doanh nghiệp cũng có xu hướng đầu tư vào các đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An nhờ lợi thế quỹ đất rộng, giá mềm và cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn các đô thị lớn. Hiện, quỹ đất tại Hà Nội, TP.HCM gần như không còn.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại, nhiều doanh nghiệp nội cũng rục rịch trở lại với kế hoạch mở rộng quỹ đất qua M&A dự án, sau khi vơi bớt các khó khăn tài chính.

Lãnh đạo tập đoàn bất động sản An Gia gần đây cho biết đặt mục tiêu mua 1-2 dự án mỗi năm tại TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai.

Sở hữu quỹ đất hơn 680ha để để phát triển dự án đến năm 2030, Nam Long cũng có kế hoạch dành ngân sách để mở rộng thêm quỹ đất sạch, phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn.

Xem thêm tại theleader.vn