Mùa cao điểm đến sớm: Đi tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu logistics qua khuyến nghị chuyên gia
Chứng khoán Shinhan Việt Nam (Shinhan Securities) công bố báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2024, trong đó nhận định, nền kinh tế sẽ tiếp đà phục hồi. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến những ngành tiềm năng tăng trưởng nhanh như nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, logistics, bán lẻ...
Ngành Logistics – mùa cao điểm đến sớm
Thị trường logistics trong nước và thế giới đang có những dấu hiệu tích cực khi giá cược vận tải, đặc biệt là vận tải biển tăng mạnh. Những yếu tố chính khiến giá cước tăng cao là do nhu cầu mua sắm đã phục hồi rõ rệt trong 4 tháng đầu năm, và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm. Đồng thời, một nguyên nhân khách quan là tắc nghẽn tại các cảng biển lớn.
Báo cáo cho thấy, chỉ số lưu thông hàng hóa qua các cảng biển trên toàn thế giới trong tháng 3/2024 đều tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó đặc biệt lượng hàng lưu thông qua các cảng biển của Châu Mỹ La Tinh (tăng 9,3%) và Châu Phi (tăng 8,6%) là tăng mạnh nhất.
Lượng hàng hóa lưu thông qua các cảng biển Châu Á (không bao gồm Trung Quốc) cũng tăng 4,8%; trong khi đó lượng hàng lưu thông qua cảng biển Trung Quốc cũng đạt mức tăng trưởng 4,7%.
Mùa cao điểm vận chuyển, theo tính toán, thường diễn ra từ tháng Sáu đến tháng Chín hàng năm, nhằm phục vụ cho mùa hè và mua thu truyền thống. Nhu cầu mua hàng tăng từ tháng 5 cho thấy người mua hàng cần thêm 2 tuần lưu trữ hàng hóa trung chuyển tránh giá cước tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch vụ vận tải biển khởi hành từ Châu Á nhộn nhịp trở lại.
Nhu cầu tăng cao, tuy vậy nguồn cung tàu lại giảm. Theo ước tính của tổ chức BIMCO, công suất các tàu khởi hành từ Châu Á đến Bắc Âu đã giảm 5,1% so với cùng kỳ do tuyến đường dài hơn đối với các tàu đi qua mũi Hảo Vọng, mặc dù năng lực tàu tăng thêm 17,8%. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vận chuyển container toàn cầu tăng thêm khoảng 10%.
Nhu cầu vận tải tăng, cộng thêm chỉ số tắc nghẽn toàn cầu chạm mốc 2 triệu TEU (chiếm 7% đội tàu toàn cầu), khiến tình trạng thiếu container rỗng quay trở lại.
Theo số liệu thống kê, hiện tại, ngoài việc tắc ở Singapore, tình trạng ùn tắc tại các cảng chính của Châu Á cũng đang trầm trọng, thời gian chờ cập cảng của các tàu ngày càng kéo dài.
Việc tắc nghẽn sẽ khiến các hãng vận chuyển bỏ việc ghé cảng lớn, khiến các cảng hạ lưu quá tải. Số ngày trung bình container lưu lại ở cảng Thượng Hải lên đến 41 ngày, mức kỷ lục trong vòng 3 năm.
Những yếu tố trên khiến giá cước vận tải tăng cao. Số liệu cho thấy, kể từ cuối tháng 4/2024, giá cước vận tải biển đã tăng vọt trên hầu hết các tuyến thương mại, cao hơn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hồi đầu năm.
Ở trong nước, sản lượng hàng container 4 tháng đầu năm đã tăng vọt 25% so với cùng kỳ, chạm mốc 7 triệu TEUs, và ước tính 5 tháng đầu năm đã đạt khoảng 11,6 triệu TEUs. Các cảng biển có lượng hàng lưu thông qua nhiều như Vũng Tàu tăng 42%, Hải Phòng tăng 27% và TP HCM tăng 13%. Hàng hóa qua cảng biển tăng cả về lượng nhập khẩu và nội địa.
Nguyên nhân chính nhờ tín hiệu khởi sắc từ tình hình xuất khẩu Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 305 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 15,2% và nhập khẩu tăng 18,2%.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu logistics
Trên thị trường chứng khoán, đón sóng ngành logistics, nhóm cổ phiếu vận tải nói chung đã tăng cao, thậm chí một số cổ phiếu đã sắp chạm và vượt kỳ vọng của các chuyên gia chứng khoán.
Gemadept (GMD) là một trong những công ty có mạng lưới cảng và logistics hiện đại bậc nhất. Gemadept sở hữu 7 cảng biển với công suất hàng năm lên tới 5 triệu TEUs và 5 triệu tấn hàng rời.
Bên cạnh đó, từ 15/2/2024, việc điều chỉnh tăng khung giá dịch vụ cảng biển có hiệu lực, trong đó giá dịch vụ bốc dỡ container tăng 10%, hỗ trợ lớn cho lợi nhuận của Gemadept.
Shinhan Securities kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tích cực từ nửa cuối năm 2024 khi Mỹ và EU bước vào mùa cao điểm tích trữ hàng hóa, do vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp logistics dự báo tăng.
Tín hiệu tích cực từ ngành vận tải biển nói chung cũng giúp cổ phiếu GMD có sức hút. Shinhan Securities dự báo giá cổ phiếu GMD có thể đạt mức mục tiêu 84.000 đồng/cổ phiếu, duy trì vị thế hiện tại. Hiện đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6, cổ phiếu GMD đang neo ở mức 83.000 đồng/cổ phiếu.
Xếp dỡ Hải An (HAH) là một trong số ít các công ty có chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong ngành vận tải biển. Hải An cung cấp đầy đủ dịch vụ mảng vận tải biển, bao gồm ác dịch vụ vận tải hàng hóa, đại lý hàng hải, dịch vụ cảng biển…
Với lợi thế đó, các chuyên gia Shinhan Securities kỳ vọng cổ phiếu HAH có thể lên mức 44.500 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, chưa hết năm 2024, đón sóng vận tải, mùa cao điểm đến sớm, cộng với việc giá cước vận tải tăng cao, cũng kéo luôn giá cổ phiếu vận tải biển tăng.
HAH đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6 ở mức 45.250 đồng/cổ phiếu, xác lập mức đỉnh mới, và cao hơn cả kỳ vọng của công ty chứng khoán.
Trong 3 cổ phiếu ngành Logistics mà Shinhan Securities khuyến nghị, duy nhất cổ phiếu VSC là được khuyến nghị MUA ở mức giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu, vẫn còn tiềm năng tăng 36%.
Hiện VSC cũng vừa trải qua phiên tăng điểm thứ 5 trong số 10 phiên giao dịch gần đây nhất, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6 ở mức 22.000 đồng/cổ phiếu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn