Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 là khả thi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025, để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Cụ thể, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, cao hơn kế hoạch năm 2024 (15%). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể tính đến ngày 31/12/2024 từ phía NHNN. Nếu như, ngành Ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024, dư nợ tín dụng toàn Ngành sẽ đạt mức hơn 15,6 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 12/2024.
Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16% do NHNN đưa ra, dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến sẽ đạt mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Điều này có nghĩa, ngành Ngân hàng bơm ra nền kinh tế gần 2,5 triệu tỷ đồng trong năm 2025. Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 7/12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 15,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2023.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Do bức tranh tín dụng năm 2025 được kỳ vọng vẫn sẽ khởi sắc với nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi hơn. Đầu tiên là với tăng trưởng kinh tế năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có thể vượt kế hoạch đặt ra, năm 2025 Chính phủ đặt mục tiêu tham vọng lên đến 8%, vì vậy niềm tin kinh doanh sẽ lên cao hơn trước triển vọng các hoạt động kinh tế tiếp tục sôi động, doanh nghiệp theo đó cũng sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư mới. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng bán buôn được duy trì ổn định. Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, trong khi động lực đầu tư từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi, thị trường bất động sản ấm trở lại, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn cao hơn nữa.
Thực tế, đây cũng là con số dự báo mà Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra trước đó. Theo SSI Research, sự phục hồi và ấm lên của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là trợ lực lớn cho đà tăng trưởng tín dụng năm tới.
Động lực tăng trưởng kế tiếp là tín dụng cho lĩnh vực xây dựng cũng sẽ khởi sắc hơn, sau khi đã chậm lại trong năm 2024. Theo số liệu cập nhật gần nhất của NHNN, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng tính đến cuối quý III/2024 chỉ tăng trưởng 5,46%. Yếu tố thúc đẩy chính cho dư nợ lĩnh vực xây dựng trong năm 2025 là dựa vào tiến độ giải ngân cho các dự án đầu tư công, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn trong năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng đã có những bước phục hồi rõ nét trong năm 2024. Theo dự báo của giới phân tích, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.
Bà Trần Kiều Oanh - Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup, nhìn nhận, năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.
Ngoài ra, nợ xấu vẫn là áp lực lớn trong năm 2025, với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư số 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn sau 31/12/2024.
Thêm vào đó, rủi ro nợ kéo theo trên CIC, đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn. Vì vậy, ngoài tăng cường xử lý, thu hồi nợ xấu, chính sách đẩy mạnh cho vay cũng là một trong những cách để kiềm giữ tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn