Nagakawa: Thế chấp BĐS, cổ phiếu và trái phiếu vay ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính tổng hợp năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 đã kiểm toán của Tập đoàn Nagakawa, thời điểm cuối 2023, nợ phải trả của tập đoàn là 1.141,8 tỷ đồng.
Trong đó, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 956,4 tỷ đồng, chiếm 83,7% nợ phải trả.
Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phải trả các bên liên quan hơn 6 tỷ đồng (Công ty cổ phần May KLM Việt Nam) và vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phải trả các tổ chức và cá nhân khác hơn 950,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, để được các ngân hàng cấp vốn hàng trăm tỷ đồng, Tập đoàn Nagakawa đã phải sử dụng nhiều tài sản đảm bảo như: quyền sử dụng đất, ô tô, trái phiếu, cổ phiếu,…
Cụ thể, đối với khoản vay hơn 387,3 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Thành An; Tập đoàn Nagakawa dùng tài sản đảm bảo là: quyền sử dụng đất tại số thửa 46, tờ bản đồ số 20 tại xã Liên Phương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Huyền Thương (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa); quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số C0 666206 cấp ngày 27/6/2018, của ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Huyền Thương.
Tiếp đó là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10111071095 cấp cho bà Đào Thị Soi và ông Nguyễn Đức Khả; quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BL 750752 cấp cho ông Nguyễn Đình Tấn và bà Đào Thị Hoa; quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại địa chỉ số 106 ngõ 155/206 đường Trường Chinh, Hà Nội; quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 99, tở bản đồ số 16 tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Hợp đồng vay cũng được Tập đoàn Nagakawa đảm bảo bằng: trái phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã trái phiếu CTG2232T2/01) với tổng giá trị 20 tỷ đồng; cổ phiếu CTCP Tập đoàn Nagakawa theo hợp đồng cầm cố giấy tờ ngày 25/2/2021; máy móc thiết bị thuộc quyền sở hữu của CTCP May KLW Việt Nam; xe ô tô Mercedes-Benz, toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển của công ty trị giá 60 tỷ đồng; hay hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (tổng giá trị hơn 86,4 tỷ đồng).
Đối với khoản vay hơn 79,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Điện Biên Phủ, CTCP Tập đoàn Nagakawa dùng các tài sản đảm bảo là: bất động sản theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 272273 cấp ngày 18/9/2007; hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chinh nhánh Thăng Long, phòng giao dịch Lê Trọng Tấn với tổng giá trị 29,8 tỷ đồng đang thế chấp; và quyền đòi nợ hình thành từ các đề nghị thanh toán, biên bản xác nhận đối chiếu công nợ, hoá đơn GTGT cụ thể theo hợp đồng thế chấp ngày 7/4/2023.
CTCP Tập đoàn Nagakawa hiện cũng đang thế chấp loạt tài sản đảm bảo cho khoản vay hơn 382 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội. Tài sản đảm bảo gồm: bất động sản số HD03-16, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside 2 (Long Biên, Hà Nội); toàn bộ nhà xưởng trên đất tại thửa số 340, tờ bản đồ số 26, phường Phúc Thắng, Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc; cổ phiếu CTCP Tập đoàn Nagakawa thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Khả; hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội tổng trị giá 15 tỷ đồng; toàn bộ nhà xưởng tại thửa đất số 288 ở tỉnh Hưng Yên,…
Khoản vay hơn 17,6 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Thăng Long, với tài sản đảm bảo gồm: hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (chi nhánh Ba Đình) với tổng giá trị 5 tỷ đồng; thế chấp hàng hoá luân chuuyển của công ty theo hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bên thứ 3 ngày 16/9/2021.
Đối với khoản vay 33,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội, tài sản đảm bảo bằng: xe ô tô Toyota Corolla Cross; thế chấp hàng hoá và các khoản phải thu có giá trị thế chấp là 20 tỷ đồng theo hợp đồng số 01/2021 ngày 13/7/2021 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh Hà Nội); hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh Hoàng Mai) với tổng giá trị hơn 17,4 tỷ đồng đang được thế chấp tại ngân hàng.
Cuối cùng là khoản vay 49,8 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – chi nhánh Đống Đa, với tài sản đảm bảo là: hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – chi nhánh Đống Đa với tổng giá trị 25 tỷ đồng đang được thế chấp tại ngân hàng; và các khoản phải thu đã hình thành từ Công ty TNHH Phát triển kinh tế quốc tế Anh Vũ, có giá trị thế chấp 25 tỷ đồng đang được thế chấp tại ngân hàng.
Tập đoàn Nagakawa có tiền thân là Công ty liên doanh Nagakawa Việt Nam, thành lập năm 2002 tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hiện nay Tập đoàn Nagakawa có 7 công ty con kinh doanh đa dạng lĩnh vực. Theo báo cáo, kết thúc năm 2023, Nagakawa đạt doanh thu hơn 2.140 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch đặt ra. Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Nagakawa đạt trên 1.590 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng (tương ứng tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022). Đối với kế hoạch năm 2024, Nagakawa đã trình cổ đông kế hoạch doanh thu dự kiến 2.500 tỷ đồng, ưu tiên tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng bằng chiến lược mở rộng kênh phân phối, phủ sản phẩm đa dạng phong phú tới hàng chục ngàn đại lý, điểm bán và các hệ thống siêu thị điện máy lớn toàn quốc như Điện Máy Xanh, HC, Pico, Big C, Winmart… Tại ĐHCĐ năm 2024 ngày 26/4, Ban lãnh đạo Tập đoàn Nagakawa đã trình bày kế hoạch kinh doanh năm 2024 nằm trong chiến lược 2022-2026 tầm nhìn 2030 của tập đoàn. Lãnh đạo Nagakawa cho biết năm 2024 sẽ ra mắt những bộ sản phẩm mới cạnh tranh bền bỉ về chất lượng, sang trọng về kiểu dáng và nâng tầm thương hiệu Nagakawa với những sản phẩm thuộc phân khúc hàng trung và cao cấp. |
Xem thêm: Xe máy điện giá 50 triệu: Chọn Pega ESmart AI, VinFast Vento S hay Yamaha NEO’s
Xem thêm tại vietnamfinance.vn