Năm 2024, PHR đặt kế hoạch lãi giảm 47% so với cùng kỳ và cổ tức chỉ còn 20%
CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR-HOSE) đã công bố Nghị quyết HĐQT phiên họp lần 1 năm 2024.
Theo đó, PHR đã thông qua báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2023 và định hướng một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính, đầu tư năm 2024 và quý I/2024.
Cụ thể: quý 1/2024, PHR đã khai thác 1.364 tấn mủ quy khô, hoàn thành 11% kế hoạch năm. Sản lượng cao su thu mua đạt 1.200 tấn, hoàn thành 12%; sản lượng cao su chế biến đạt 2.564 tấn, hoàn thành 11,44%; sản lượng cao su tiêu thụ đạt 4.423 tấn, hoàn thành 13.36%. Giá bán bình quân đạt 37 triệu đồng/tấn.
Tổng doanh thu công ty mẹ quý 1/2024 đạt 164,7 tỷ đồng, hoàn thành 11,32% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ cao su đạt 163,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 12,03 tỷ đồng, hoàn thành 4,34% kế hoạch năm. PHR cũng nộp ngân sách Nhà nước 10,4 tỷ đồng, hoàn thành 6,8%.
Năm 2024, PHR dự kiến sản lượng cao su khai thác đạt 12.400 tấn tăng 3,7% so với năm 2023, với năng suất 1,41 tấn/ha. Sản lượng cao su chế biến đạt 22.400 tấn mủ quy khô, tăng 21%; sản lượng cao su tiêu thụ đạt 33.100 tấn mủ quy khô, tăng 7,7%. Giá bán bình quân đạt 36,41 triệu đồng/tấn, tăng 6,5%.
Về chỉ tiêu kinh doanh, PHR đặt kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ năm 2024 đạt 1.455,05 tỷ đồng, giảm 10% so với kết quả năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 277,1 tỷ đồng, giảm 48%; lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỷ đồng, giảm 47% so với con số gần 461,6 tỷ đồng năm 2023.
Năm 2024, doanh nghiệp dự kiến nộp ngân sách Nhà nước là 140,5 tỷ đồng; tổng nhu cầu vốn đầu tư là 361,9 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền/mệnh giá tối thiểu năm 2024 là 20%.
Trước đó, PHR đã thực hiện chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 59,5% - trong đó, công ty đã thực hiện thanh toán cổ tức vào tháng 2/2023 và tháng 5/2023 (với tỷ lệ mỗi lần là 20%). Sau đó, đến ngày 25/12/2023, PHR thực hiện thanh toán cổ tức còn lại của năm 2022 với tỷ lệ 19,5%.
Mới đây, PHR giải trình việc lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 28,87% so với năm 2022 từ 929,728 tỷ xuống còn 661,288 tỷ đồng là do thu nhập khác giảm 354,758 tỷ đồng. Trong năm 2022 công ty ghi nhận 698,300 tỷ từ khoản tiền thu do đền bù, hỗ trợ thiệt hại do thực hiện dự án KCN Việt Nam - Singapore III khi bàn giao đất để thực hiện dự án. Trong khi đó, năm 2023, công ty chỉ nhận được có 283,654 tỷ đồng.
Qua đó, BSC đã có khuyến nghị "mua" đối với cổ phiếu PHR với giá trị hợp lý cho năm 2024 là 64.800 đồng/cổ phiếu (Upside 23% so với giá đóng cửa ngày 23/02/2024, đã bao gồm lợi suất cổ tức 5%), dựa trên phương pháp định giá từng phần SOTP.
BSC sử dụng phương pháp (1) RNAV cho mảng Khu công nghiệp, với tỷ lệ chiết khấu 70% đối với KCN Tân Lập 1 và Tân Bình mở rộng để phản ánh rủi ro tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp này chậm hơn so với kỳ vọng; (2) DCF cho mảng cao su & gỗ với tỷ lệ chiết khấu WACC = 12%, tỷ lệ tăng trưởng dài hạn giả định là 2%/năm.
BSC cho rằng, mảng cao su kỳ vọng phục hồi tích cực +18% yoy từ mức nền thấp trong năm 2023; Các nút thắt pháp lý được giải quyết sẽ giúp cho PHR có thể ghi nhận thu nhập từ góp vốn đầu tư tại NTC và VSIP 3 trong năm 2024; Qũy đất chuyển đổi phát triển KCN lớn (khoảng 5,126 ha) đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho mảng KCN của PHR và tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt hấp dẫn: tối thiểu 5-6% (tương đương 30%/mệnh giá).
Xem thêm tại vneconomy.vn