Năm Bảy Bảy (NBB) đang vay CII 940 tỷ đồng
Báo cáo tài chính quý IV/2023 mới được công bố cho thấy CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) đạt doanh thu hơn 82 tỷ đồng, giảm khoảng 53% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm hơn 85% so với quý IV/2022. Biên lãi gộp đạt 13,4%.
Đáng chú ý, trong quý IV, doanh thu tài chính của Năm Bảy Bảy đạt 210 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng quyền tham gia phát triển khu đất tại phường 16, quận 8. TP. HCM, đạt 150 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản chênh còn đến từ lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn và lãi tiền gửi, đạt 60 tỷ đồng, tăng 42%.
Do chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí tài chính hơn 133 tỷ đồng, tăng 121%, cùng với khoản lỗ khác 7,5 tỷ đồng do bị phạt vì vi phạm hợp đồng, chậm trả, đã ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Cụ thể, NBB lãi sau thuế gần 7,5 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng nhẹ so với mức hơn 5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần 293 tỷ đồng, giảm hơn 37% so với năm trước, đồng thời cũng đánh dấu mức thấp nhất sau 6 năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 8 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2022.
Được biết, trong năm 2023, Năm Bảy Bảy đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20,5 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, công ty chỉ thực hiện được 36,6% kế hoạch doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Kết quả kinh doanh NBB giai đoạn 2017 - 2023. (Tổng hợp: Bình An). |
Đóng góp chính vào doanh thu năm vừa qua của NBB tiếp tục là mảng kinh doanh bất động sản, đạt 64,5 tỷ đồng, song đã giảm 62,5% so với năm 2022. Trái lại, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ lại tăng gấp 5,6 lần năm trước, lên hơn 17,7 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2023, tiền và tương đương tiền của công ty đạt 112 tỷ đồng, tăng gần gấp 10 lần đầu năm do công ty có thêm khoản tương đương tiền hơn 97 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Bình Dương. Dù vậy, đây là khoản được NBB cầm cố đảm bảo cho chính khoản vay tại ngân hàng này.
Công ty cũng trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 68 tỷ đồng vào cuối năm, tăng gần 20 tỷ đồng so với đầu năm, bao gồm hơn 30,6 tỷ đồng tại CTCP Hifill và hơn 20 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Ái Nghĩa.
Các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi của NBB vào cuối năm 2023. |
Hàng tồn kho NBB tính đến ngày 31/12/2023 có giá trị 1.576 tỷ đồng, bao gồm 1.520 tỷ đồng đến từ khoản bất động sản dở dang. Trong đó, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư Delagi chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 845 tỷ đồng, tiếp đến là dự án khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, hơn 604 tỷ đồng.
Tổng vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp là hơn 3.640 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản vay lớn nhất là 940 tỷ đồng tại CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII). Ngoài ra, NBB cũng có các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đồng tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
>>TP. HCM gỡ vướng cho dự án 'đứng hình' suốt 16 năm của NBB và CII
Xem thêm tại nguoiquansat.vn