Năm buồn của ngành bia rượu
Câu chuyện về bia rượu trở thành chủ đề nóng trong dịp Tết Giáp Thìn khi cơ quan chức năng siết chặt việc thổi nồng độ cồn. Với các trạm kiểm soát nhiều hơn trên các tuyến đường vừa qua, nhiều người phải từ chối bia rượu để điều khiển phương tiện giao thông.
Tình trạng tiêu thụ đồ uống có cồn theo đó giảm đáng kể và cải thiện văn hóa giao thông. Nhưng ở khía cạnh khác, điều này càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của doanh nghiệp bia rượu - vốn đã chịu tác động từ đại dịch COVID-19 và sức mua giảm trước đó.
Doanh số lao dốc
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) báo cáo doanh thu năm 2023 giảm gần 13% về dưới mức 30.500 tỷ đồng. Nếu bỏ qua giai đoạn 2020-2021 bởi đại địch, doanh số của hãng bia này rơi về mức thấp nhất từ năm 2016.
Doanh nghiệp cải tổ nhiều hoạt động và thắt lưng buộc bụng để giảm một loạt chi phí hoạt động, bao gồm giảm đáng kể chi phí quảng cáo khuyến mãi. Dù vậy, lợi nhuận vẫn giảm sâu 23% so với mức cao kỷ lục về 4.255 tỷ đồng.
Với kết quả này, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tham vọng đề ra hồi đầu năm, khi chỉ thực hiện gần 76% kế hoạch doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Lãnh đạo Sabeco lý giải do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái, cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn tham gia giao thông và chi phí đầu vào cao.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) cũng trong tình trạng tương tự. Doanh thu năm ngoái giảm 8% về dưới mốc 7.800 tỷ đồng, là con số thấp nhất kể từ năm 2015 nếu loại trừ giai đoạn Covid-19.
Hãng bia hoạt động chính ở miền Bắc cũng đẩy mạnh cắt giảm nhiều chi phí trong bối cảnh khó khăn, chẳng hạn tiền chi cho quảng cáo và khuyến mại giảm 17% so với cùng kỳ xuống 580 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm hơn 29% về mức 355 tỷ đồng.
Lãnh đạo Habeco nói rằng doanh thu bán hàng giảm do sự canh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023.
Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico - Mã: HNR) nối tiếp chuỗi kinh doanh bết bát với 27 quý thua lỗ liên tiếp và đã lỗ lũy kế gần 460 tỷ đồng. Doanh thu cả năm cũng chỉ nhỉnh hơn 100 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Sức cầu vẫn yếu
Theo một báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tiêu thụ bia chưa có dấu hiệu phục hồi. Doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp trong ngành giảm 11% từ mức hơn 55.000 tỷ về còn 45.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn về chưa tới 5.100 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Ngoài lực cầu yếu, thị trường bia còn đang chuyển dịch từ phân khúc cận cao cấp xuống phổ thông trong bối cảnh kinh tế khó khăn. BVSC nhận thấy Sabeco với sức mạnh vượt trội trong phân khúc phổ thông (với các dòng sản phẩm Lager, Export, 333, Lạc Việt…) đã ghi nhận sụt giảm về doanh số ít hơn Heineken khi đối thủ phụ thuộc nhiều vào thương hiệu Tiger thuộc phân khúc cận cao cấp.
Theo Kantar, tâm lý người tiêu dùng có cải thiện nhẹ nhưng vẫn ở trạng thái thận trọng, qua đó các hộ gia đình tiếp tục cẩn trọng trong quản lý chi tiêu, cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí ở bên ngoài.
Theo báo cáo của Chứng khoán Funan, rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.
Chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế mà còn là xu hướng tất yếu tương lai, bởi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu và chính sách pháp luật hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn.
Không chỉ ở Việt Nam mà giảm đồ uống có cồn cũng là xu hướng chung trên thế giới. Theo Forbes, thế hệ Gen Z uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe khiến nhu cầu tiệu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Trong khi đó, đồ uống không cồn được dự báo tăng 25% trong giai đoạn 2022-2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh.
Ban lãnh đạo Sabeco thừa nhận Nghị định 100 có tác động tiêu cực đến sản lượng bán bia, song không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn.
Hãng bia này vẫn bày tỏ quan điểm tích cực về dài hạn do thị trường Việt Nam còn trẻ và năng động, thị trường bia chiếm ưu thế về tiêu thụ thức uống có cồn. Sabeco cũng chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng từ bia sang các sản phẩm thay thế như rượu và bia không cồn.
Không chỉ ở đầu ra, ngành bia còn đối mặt với thế khó ở giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Sắp tới, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được triển khai, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, tình hình của các doanh nghiệp dự báo càng gặp khó.
Với ngành bia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng ít nhất 10% trên giá bán sản phẩm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân và điều tiết tăng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người mỗi năm là 8,3 lít, tương đương một người uống khoảng 170 lít bia mỗi năm.
Xem thêm tại vietnambiz.vn