Nam Kim, Tôn Đông Á, Pomina rục rịch xây nhà máy thép ở một tỉnh phía Nam

Trong kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024, nhiều doanh nghiệp thép ấp ủ chiến lược xây dựng nhà máy thép mới, chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao để gia tăng sức cạnh tranh tranh trên thị trường và hơn nữa là mở rộng miếng bánh thị phần.

Tôn Đông Á

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) đã thông báo chi tiết với cổ đông về kế hoạch xây nhà máy thép lá mạ mới đặt tại Phú Mỹ, Vũng Tàu có công suất 1,2 triệu tấn thành phẩm/năm.

Theo Tôn Đông Á, dự án có thể khởi công vào cuối năm 2024. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến công suất 300.000 tấn/năm, sản phẩm chính là tôn mạ cho xây dựng, công ty dự kiến quý II/2026 sẽ đưa vào hoạt động. Công ty kỳ vọng có thể chạy hết công suất trong nửa cuối năm 2026 (hỗ trợ bởi khách hàng tiềm năng tại các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á).

Tổng mức đầu tư dự kiến cho nhà máy thép ở Phú Mỹ khoảng 10.000 tỷ đồng, được chia cho 4 giai đoạn. Thời gian thực hiện từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt giấy phép đầu tư.

Theo kế hoạch của Tôn Đông Á, nhà máy sau khi hoàn thành có thể nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Tôn Đông Á tiết lộ, công ty đã sắp xếp được nguồn vốn vay ngân hàng khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm trên 60% cơ cấu vốn dự án.

Nguồn: VDSC.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá các sản phẩm của giai đoạn 1 có thể được hấp thụ tốt khi nhà máy Phú Mỹ đưa vào hoạt động với lợi thế thương hiệu của doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu và nội địa. Mặt khác, các nhà máy hiện tại của Tôn Đông Á đã hoạt động với 100% công suất.

Hiện tại, Tôn Đông Á sở hữu hai nhà máy gồm nhà máy Thủ Dầu Một và nhà máy Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn 800.000 tấn/năm. Các sản phẩm của công ty đang được phân phối ở hơn 1.700 đại lý trên toàn quốc và có mặt tại hơn 45 quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc và các nước châu Âu,… 

Nam Kim

Trong năm nay, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) có kế hoạch chào bán hơn 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 12.000 đồng/cp.

Số tiền huy động dự kiến là 1.580 tỷ đồng sẽ dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giai đoạn 1 của Nam Kim Phú Mỹ có công suất dự kiến là 800.000 tấn/năm, giúp tăng công suất của Nam Kim lên gần 70% từ mức hiện tại. Nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để tham gia vào một số lĩnh vực mới như công nghiệp, ô tô và đồ gia dụng

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Hồ Minh Quang – Chủ tịch Nam Kim cho biết dự án hiện đã có giấy phép. Theo thiết kế, dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (cơ cấu vốn góp của nhà đầu tư 30% (1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (3.150 tỷ đồng). Dự án sẽ có dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm.

Hiện tại, Nam Kim đã góp 500 tỷ đồng để thực hiện dự án, dự kiến khởi công trong quý II. Dự kiến quý IV/2025 – quý I/2026 sẽ bắt đầu hoạt động và dần nâng lên 100% công suất đến năm 2027.

Ông Quang cho rằng, sản phẩm mới mang tính chiến lược, khác với thị trường tạo chất lượng cao hơn. Dự kiến khi nhà máy mới đi vào hoạt động, tổng công suất sản xuất sẽ được nâng lên 1,6 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch cũng khẳng định rằng, việc công ty xây nhà máy mới không định hướng mở rộng thị phần mà phục vụ chất lượng tốt hơn cho người dùng, tạo giá trị gia tăng.

Sản lượng sản xuất thiết kế của Nam Kim. (Nguồn: KBSV).

Hoà Phát

Thông tin với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) dự kiến đến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất. Vốn đầu tư đã đủ cho cả Dung Quất 1 và 2.

Nếu tốc độ dự án được đẩy nhanh, Hoà Phát có thể sản xuất HRC vào cuối năm nay, chậm thì đến quý I/2025. Năm 2025, tập đoàn ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.

Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán 600 USD/tấn, tập đoàn ước tính có thêm 70.000 tỷ đồng cộng với doanh thu hiện tại thì tổng doanh thu tập đoàn có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. 

Nguồn: DSC.

Theo ông Long, trong chiến lược dài hạn của Hoà Phát sau khi hoàn thành khu liên hợp Dung Quất 2, tập đoàn sẽ tăng cường sản xuất mặt hàng yêu cầu công nghệ sản xuất cao, đầu tư lớn và khó.

Các sản phẩm thép này có thể dùng để sản xuất ô tô, đóng tàu, các sản phẩm quân sự, thép chế tạo. Bên cạnh đó, ông Long còn tiết lộ Hoà Phát đang nghiên cứu sản xuất tôn silic - sản phẩm làm cho các loại mô tơ điện, biến thế, đặc biệt là mô tơ điện dùng cho công nghiệp xe điện.

Dự án Dung Quất 2 từng được Chủ tịch Hòa Phát ví von là "quả đấm thép" với tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng. Chứng khoán Bảo Việt ước tính, khi chạy tối đa công suất, dự án Dung Quất 2 sẽ đóng góp vào khoảng 80.000 -100.000 tỷ đồng doanh thu cho Hoà Phát.

Còn trong báo cáo phân tích về Hoà Phát mới đây, Chứng khoán DSC cũng đánh giá Dung Quất 2 là dự án trụ cột cho giai đoạn mới của Hoà Phát khi tập trung hơn cho sản phẩm HRC chất lượng cao. Trong trường hợp chạy hết công suất, dự án có thể mang tối đa 100.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

Thép Pomina

Dù đang thua lỗ, nợ nần nhưng CTCP Thép Pomina (Mã: POM) vẫn lên tham vọng sẽ vận hành lại lò cao trong quý IV sau thời gian ngừng hoạt động để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản.

Theo kế hoạch tái cấu trúc với sự tham gia của nhà đầu tư mới, Pomina dự kiến đồng bộ khâu luyện và cán thép để tối ưu hoá năng lượng sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và 3 thông qua việc thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ.

Pomina Phú Mỹ dự kiến có vốn điều lệ 2.700 - 2.800 tỷ đồng, Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ và góp bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và 3. Còn nhà đầu tư mới sẽ sở hữu 65% vốn điều lệ, góp bằng tiền.

Theo công ty, nhà máy thép Pomina Phú Mỹ chạy hết công suất và đảm bảo sản lượng hàng năm từ 900.000 - 1 triệu tấn, với giá thép hiện tại, doanh thu của Pomina Phú Mỹ có thể đạt 14.000 - 15.000 tỷ đồng/năm.

Ban lãnh đạo Thép Pomina đặt nhiều kỳ vọng vào đối tác mới cùng dự án Nhà máy thép Pomina Phú Mỹ để đưa thương công ty trở lại vị trí số 1 trên thị trường thép xây dựng phía Nam (giai đoạn 2009 - 2010, sản lượng của Thép Pomina chiếm 29% sản lượng cả nước).

Trong báo cáo phân tích mới đây, VPBankS Research cho rằng động lực chính trong năm 2024 của ngành thép tiếp tục là hoạt động đầu tư công. Các dự án lớn đã hoàn tất khâu đấu thầu cho giai đoạn đầu tiên và đã bước vào thi công, việc huy động lượng lớn vật liệu xây dựng sẽ là một điểm nhấn quan trọng cho ngành. 

Bất động sản dân dụng cũng là yếu tố đầu ra quan trọng. Tuy nhiên, giá trị các dự án hoàn thành và các giao dịch nhìn chung vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện nốt các dự án đã xong pháp lý, hoàn thiện đầy đủ thủ tục để bàn giao.

Xem thêm tại vietnambiz.vn