Năm xu hướng đổi mới – sáng tạo được doanh nghiệp dầu khí, năng lượng và điện đẩy mạnh triển khai
Theo Viet Research, các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường bao gồm 04 hình thức chính: (1) đổi mới sản phẩm; (2) đổi mới quy trình công nghệ, thiết bị, máy móc; (3) đổi mới tổ chức và quản lý và (4) đổi mới tiếp thị.
Kết quả nghiên cứu và khảo sát các doanh nghiệp thuộc Top 10 (VIE 10) trong ngành của Viet Research chỉ ra rằng có 85% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong ít nhất 3-5 năm tới; trong đó, trên 42% doanh nghiệp sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, trang thiết bị máy móc.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đã trở thành yếu tố then chốt trong công cuộc xanh hoá và R&D đóng vai trò xương sống của sự đổi mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai thì kết quả khảo sát của Viet Research cho thấy 75% các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng mức ngân sách cho R&D nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng lên mức từ 25-30% so với trước đó.
Nghiên cứu cũng chỉ ra 5 xu hướng chính được các doanh nghiệp VIE 10 triển khai trong những năm gần đây, bao gồm: Quy trình sản xuất sáng tạo, Công nghệ bản sao kỹ thuật số, Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI) trong tự động hóa, Robot và cobot tiên tiến và Internet vạn vật (IoT).
Trong đó, ngành dầu khí nổi lên với 2 xu hướng là công nghệ bản sao kỹ thuật số và AI trong tự động hóa. Cụ thể, công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twin Technology) đã thay đổi cách ngành dầu khí quản lý và tối ưu hóa tài sản vật lý. Việc tạo ra các bản sao ảo cho phép tối ưu hóa vị trí giếng và chiến lược khoan, giảm thiểu khoan lỗ không cần thiết và giảm chi phí xây dựng giếng tới 10%, đồng thời cải thiện 5% hiệu suất sản xuất.
Sử dụng AI trong tự động hóa cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong ngành dầu khí, AI giảm thiểu nhu cầu di chuyển vật lý đến các địa điểm giếng khoan, giảm 20% khí thải giao thông. Ngoài ra, AI còn giúp điều chỉnh liên tục hoạt động để đạt hiệu quả tối đa và giảm tiêu hao năng lượng.
Thống kê cho thấy dầu khí hiện là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất, đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu. Đối với Việt Nam, ngành dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước; liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như phân bón, hóa dầu, các sản phẩm hóa chất… Ngành Dầu khí góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định đất nước.
Năm 2023, ngành Dầu khí đã khai thác được 10,41 triệu tấn dầu (trong đó có 1,78 triệu tấn được khai thác ở nước ngoài), thấp hơn con số 10,84 triệu tấn dầu khai thác được trong năm 2022. Kế hoạch cho năm 2024 là khai thác 8,2 triệu tấn dầu. Thị trường đang đón nhận những thông tin khá tích cực của nhóm ngành Dầu khí như: Giá dầu phục hồi, quay trở lại vùng đỉnh; Dự án Lô B Ô Môn; kỳ vọng các dự án đi vào thực thi năm 2024, các giàn khoan được khởi động lại, các dự án sẽ được đầu tư mới…
Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả năm 2024 nhóm Dầu khí - Năng lượng và Điện gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP (PetroVietnam Gas), Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PetroVietnam Drilling), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC), Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM, Công ty Cổ phần BCG Energy, Công ty Cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEGroup).
Xem thêm tại vneconomy.vn