Nắn vốn chảy vào sản xuất và nhà giá rẻ
Năm 2024, ngành ngân hàng tiếp tục hướng đến hỗ trợ phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. |
Bất động sản vẫn là thỏi nam châm hút vốn
Ngày 8/1, ngành ngân hàng sẽ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Khác với các năm trước, năm nay, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm nhằm thúc đẩy tổng cầu. Như vậy, các ngân hàng có dư địa bơm 2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Bất động sản được dự báo vẫn là lĩnh vực thu hút tín dụng nhiều nhất.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2023, ngành ngân hàng dồn lực cả về tháo gỡ cơ chế chính sách lẫn triển khai để hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Năm 2024, ngành ngân hàng tiếp tục hướng đến hỗ trợ phân khúc nhà ở này.
Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75%. Đáng lưu ý, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh 22% và chiếm 36% tổng dư nợ tín dụng bất động sản; tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm nhẹ 0,7%, chiếm 64%. Điều này cho thấy, người dân vẫn e ngại vay mua nhà, dù lãi suất đã hạ nhiệt.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đối với giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, tính tới cuối tháng 11/2023, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 12 dự án, với tổng số tiền cam kết là 5.000 tỷ đồng, số tiền giải ngân đạt hơn 400 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhanh trong năm 2023, song vẫn còn cao hơn mức đáy quý IV/2021, thu nhập người dân sụt giảm trong khi giá nhà liên tục tăng cao, thị trường thiếu vắng phân khúc nhà ở giá hợp lý được coi là những nguyên nhân chính khiến cho vay mua nhà của cá nhân sút giảm.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích kỳ vọng, nhu cầu mua nhà sẽ được kích thích trở lại từ nửa cuối năm nay nhờ môi trường lãi suất thấp. “Các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiến hành giảm giá các sản phẩm, nhằm tiếp cận gần hơn người mua, thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền, khi các chính sách đang nới lỏng hơn trước. Điều này giúp kích thích tín dụng cho ngành bất động sản”, chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định.
Vấn đề giảm giá nhà, cơ cấu lại phân khúc bất động sản đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiều lần. Ngành ngân hàng cũng nhiều lần phê phán doanh nghiệp bất động sản thiếu sòng phẳng, khư khư giữ giá nhà cao, rồi đòi cả nền kinh tế hỗ trợ. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản khẳng định, chi phí giá nhà cao là bởi loạt “chi phí không tên”.
Dù chưa thực sự tìm được tiếng nói chung, song thực tế, ngân hàng và bất động sản đang có mối quan hệ cộng sinh, dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn ngành. Tuy vậy, điều chắc chắn là dòng vốn chảy vào bất động sản năm 2024 sẽ được chọn lọc cẩn thận hơn.
Nắn vốn chảy vào sản xuất, tiếp tục giãn nợ
“Năm 2024 là năm hành động quyết liệt, bởi năm nay được dự báo là năm có nhiều khó khăn phải đối mặt, song cũng là cơ hội để vượt qua khó khăn”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Một trong những hành động quyết liệt là sẽ tập trung kiểm soát tín dụng sân sau, kiểm soát việc dồn vốn cho một số tập đoàn, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, NHNN đặc biệt ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, với 18 cơ chế đang được triển khai. Hiện dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm khoảng 25% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Đây cũng là lĩnh vực hấp thụ vốn hiệu quả. Đơn cử, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hết 11.000 tỷ đồng. Dự kiến, khi gói này được triển khai hết, các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng hạn mức.
Bên cạnh thúc đẩy tín dụng, điều khiến doanh nghiệp và ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là nợ xấu có thể tăng cao sau tháng 6/2024, khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ hết hiệu lực. Thông tư này chấm dứt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chuyển nhóm nợ, trong khi nợ xấu tại nhiều ngân hàng sẽ vọt tăng.
Số liệu của NHNN cho thấy, nợ xấu nội bảng tính tới cuối năm 2023 lên tới 4,95%, nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu là rất lớn.
“Nếu đến thời điểm 30/6/2024, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn cần Thông tư 02/2023/TT-NHNN, thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tiếp tục kéo dài thêm. Việc sửa đổi Thông tư này sẽ trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, song phải kiểm soát được bản chất nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu âm ỉ trong nền kinh tế, song không được phản ánh đầy đủ, khách quan”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là mong mỏi của doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại. Dù vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, điều này cũng đặt thêm thách thức cho ngành ngân hàng trong bối cảnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa xong, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đối diện tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng cao.
Theo các chuyên gia, nên kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm một năm nữa trên cơ sở đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì mới giãn nợ, thậm chí có thể cho vay mới. Tất nhiên, cùng với sự hỗ trợ của ngành ngân hàng, cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi thì kiên quyết không cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ.
Xem thêm tại baodautu.vn