Nắng nóng đột biến, công ty bán máy lạnh lãi kỷ lục
Tập đoàn Nagakawa (Mã: NAG) là một trong những đơn vị sản xuất điện máy nội địa tiên phong từ năm 2002 với sản phẩm chủ lực là điều hòa không khí (máy lạnh), chiếm khoảng 70% doanh thu. Đây là đơn vị duy nhất trong ngành đang niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo báo cáo 3 tháng đầu năm nay, hãng sản xuất máy lạnh nội địa này chứng kiến doanh thu tăng trưởng 27% lên mức kỷ lục gần 680 tỷ đồng, tương đương với thu về hơn 7 tỷ đồng mỗi ngày.
Lợi nhuận cao kỷ lục
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử hơn 13 tỷ đồng, 82% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo giải trình thời tiết nắng nóng đột biên nên nhu cầu thị trường tăng cao. Công ty dự báo tình hình để có các chính sách linh hoạt nên được hệ thống siêu thị lớn, các nhà phân phối, các đại lý cấp 1 cấp 2 ủng hộ.
"Bên cạnh đó các hoạt động trong khâu mua hàng, truyền thông marketing đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả dẫn đến tỷ trọng chi phí giảm xuống và lợi nhuận tăng hơn", báo cáo viết.
Trong năm 2024, hãng sản xuất điều hòa này đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu thuần 2.400 tỷ đồng và lãi sau thuế 35 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 13% và 39% so với mức nền cao kỷ lục cùng kỳ năm ngoái.
Sau giai đoạn sụt giảm vì Covid-19 trong năm 2020, kết quả kinh doanh của Nagakawa ngày càng khả quan kể từ 2021 đến nay khi nhu cầu điện lạnh cao và mở thêm các mảng kinh doanh mới. Doanh thu năm 2023 lần đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ và có lợi nhuận kỷ lục hơn 25 tỷ đồng.
Lãnh đạo Nagakawa nhiều lần cho biết rủi ro thường trực của công ty là sự cạnh tranh "vô cùng khốc liệt" với 100 hãng điều hòa. Doanh nghiệp luôn có biên lãi ròng thấp do giảm giá bán trước sức ép từ hàng giá rẻ của Trung Quốc.
Hơn nữa, để tăng doanh số, Nagakawa cũng phải đánh đổi bằng các khoản ngân sách lớn cho tiếp thị, trong khi mạng lưới kênh phân phối vẫn còn hạn chế, nhất là ở các hệ thống bán lẻ điện máy lớn.
Mục tiêu của hãng này trong giai đoạn 2022-2026 là trở thành top 5 thương hiệu sản xuất và phân phối điều hòa không khí tại Việt Nam và trở thành Thương hiệu dẫn đầu trong ngành thiết bị nhà bếp cao cấp ở thị trường nội địa.
Công ty dồn lực tái thiết thị trường miền Nam, củng cố kênh bán hàng truyền thống tại miền Bắc và phát triển chuyên sâu kênh thương mại điện tử. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tiếp cận 12.000 điểm bán hàng trên cả nước.
Ngành cạnh tranh cao
Theo Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, với khí hậu gió mùa nóng ẩm và dân số 100 triệu, Việt Nam tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa mỗi năm. Còn theo báo cáo của Research&Market, Việt Nam là một trong những thị trường điều hòa lớn nhất châu Á, dự kiến sẽ đạt 2,9 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh điều hòa dân dụng, sự phát triển của ngành công nghiệp kéo theo nhu cầu điều hòa cho các công trình văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà xưởng...
Hiện tại, Việt Nam đã thu hút được sự tham gia của các thương hiệu quốc tế như Samsung, Panasonic, Casper, Daikin, LG, Toshiba, Sharp... cũng như các thương hiệu nội địa như REE, Funiki, Hòa Phát, Asanzo, Sunhouse, Kangoro...
Không chỉ Nagakawa, nhiều ông lớn bán sản phẩm điện máy cũng ghi nhận doanh thu đột biến từ máy lạnh.
Trong quý I, Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi mạnh so với cùng kỳ, doanh thu sản phẩm máy lạnh tăng trưởng đến 50%. Theo Chứng khoán SSI, một trong các lý do giúp kết quả này cao hơn kỳ vọng nhờ doanh thu bất thường từ máy điều hòa.
Doanh số bán máy lạnh dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh thời tiết vẫn nắng nóng với mặt bằng nhiệt độ cao. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động cho biết chuỗi Điện Máy Xanh đã cung cấp hơn 40.000 bộ máy lạnh và gần 25.000 quạt điều hòa chỉ trong 3 ngày cận dịp lễ từ 26-28/4 vừa qua.
Hay chuỗi FPT Shop mới đây đã chính thức bán máy lạnh, điều hòa trên toàn quốc từ đầu tháng 4. Công ty cho biết hệ thống liên tục ghi nhận kết quả tích cực sau hơn 2 năm phát triển nhóm hàng gia dụng trên hơn 600 cửa hàng.
“Đây chính là cơ sở để FPT Shop tiếp tục đầu tư, mở rộng danh mục nhóm hàng điện máy và chính thức triển khai kinh doanh các sản phẩm như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt...” lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Trên kênh trực tuyến, hơn 6.600 cửa hàng thuộc 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã bán được 380,3 triệu sản phẩm máy lạnh và quạt máy các loại trong quý I, theo thống kê của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric.
Doanh thu các thiết bị làm mát tăng mạnh 54% so với cùng kỳ, đạt 163 tỷ đồng trong quý I. Theo Metric, thông thường quý II là thời điểm có doanh số tốt nhất nhưng quý I năm nay đã tăng trưởng rất cao do nhiều đợt nắng nóng xuất hiện sớm.
Xem thêm tại vietnambiz.vn