Nâng tiêu chí chỉ số VN30 sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán

Ông Vũ Tuấn Duy, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội

Bộ chỉ số HOSE-Index 4.0 có sự nâng cao về mặt chất lượng cũng như tiêu chí sàng lọc, việc liên tục cải tiến và nâng cấp luôn là điều tất yếu giúp thị trường ngày càng phát triển hơn. Cụ thể, việc nâng cao tiêu chí về sàng lọc thanh khoản cả về khối lượng và giá trị giao dịch sẽ giúp thúc đẩy quy mô thị trường.

Sự nhìn nhận của các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc liên tục nâng cao chất lượng của HOSE là bước chạy đà quan trọng cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán năm nay. Một điều quan trọng mà chúng tôi ít thấy đề cập là HOSE sẽ được cấp quyền sử dụng chuẩn phân ngành GICs (vốn là thương hiệu độc quyền của MSCI và S&P). Tại các thị trường như Mỹ, chuẩn phân ngành GICs đã được sử dụng từ rất lâu với 11 lĩnh vực cùng 25 nhóm ngành. Từ chuẩn phân ngành này, giới nghiên cứu và nhà đầu tư có thể nhìn rõ sự vận động của từng nhóm ngành tại các chu kỳ của thị trường, hơn thế nữa rất tiện lợi và dễ dàng để phát triển các chỉ số, các tổ chức đầu tư theo nhóm ngành (ngân hàng, bất động sản...).

Động thái sửa quy định về VN30 vừa qua ngoài vấn đề tiêu chí tăng thanh khoản còn bổ sung các quy định liên quan đến lợi nhuận sau thuế nhằm nâng cao chất lượng của các cổ phiếu lọt vào rổ chỉ số. Bên cạnh đó, giới hạn tỷ trọng vốn hóa 40% đối với nhóm cổ phiếu cùng ngành, giúp . Hiện tại, nhóm có nguy cơ giảm bớt tỷ trọng khỏi rổ chỉ số nhiều nhất là ngân hàng, qua đó giúp rổ VN30 bớt “thịnh suy” hơn theo nhóm này.

Bản thân VN30 cũng là chỉ số tham chiếu cho 4 quỹ ETF niêm yết tại HOSE và 3 quỹ ETF niêm yết tại thị trường chứng khoán khu vực, cùng với đó là tiêu chí sàng lọc cho chứng quyền có bảo đảm. Như vậy, các quỹ đầu tư theo chỉ số sẽ phải tái cơ cấu danh mục nhiều hơn trong nửa đầu năm 2025, nhưng tác động lên thanh khoản thị trường từ hoạt động của những quỹ này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên nhìn nhận việc cải thiện và nâng cao chất lượng của HOSE 4.0 là động lực lâu dài giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Thanh khoản thị trường những năm gần đây với trạng thái “lình xình” thường rất thấp và năm 2024 không ngoại lệ. Thị trường đi ngang trong biên độ càng mỏng thì thanh khoản càng cạn kiệt, vì các nhà đầu tư khó có thể tìm thấy cơ hội nếu như không có biến động đủ lớn, qua đó triệt tiêu động lực đầu tư, chưa kể năm qua là năm bán ròng của khối ngoại với tổng giá trị 90.269 tỷ đồng (theo dữ liệu của Fiingroup). Tuy nhiên, đây là một giai đoạn bắt buộc phải có trong các giai đoạn của thị trường. Khi VN-Index thoát khỏi trạng thái đi ngang trong vùng 1.200 - 1.300 điểm, dự báo thanh khoản sẽ dần cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Với Bộ chỉ số HOSE-Index mới, đặc biệt là rổ chỉ số VN30, tiêu chí thanh khoản đã được gia tăng ở cả khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch của cổ phiếu. Trên thế giới, tiêu chí thanh khoản thường là tiêu chí quan trọng trong việc thành lập các chỉ số và là tiêu chí quan trọng của các quỹ ETF, nên tôi đánh giá việc tăng tính thanh khoản sẽ giúp kích thích các nhà đầu tư chú ý vào rổ danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ ưa thích hơn các danh mục hay rổ chỉ số có tính thanh khoản cao.

Việc nâng tiêu chí thanh khoản còn giúp giải quyết một vấn đề mà chỉ số chứng khoán Việt Nam hay gặp phải, đó là có những cổ phiếu vốn hóa rất lớn nhưng thanh khoản giao dịch thấp, khiến chỉ số không phản ánh đúng diễn biến thị trường. Do đó, việc tăng tiêu chí thanh khoản sẽ giảm được tình trạng này xảy ra trong tương lai.

Với VN30, có thể xem đây là danh mục đầu tư của cá nhân khi không có nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong việc lựa chọn danh mục đầu tư. Bởi lẽ, việc sửa đổi các tiêu chí của chỉ số sẽ giúp tăng chất lượng của rổ danh mục, giảm rủi ro từ yếu tố cơ bản cho các nhà đầu tư.

Khi tăng tiêu chí thanh khoản thì dự báo sẽ có những cổ phiếu bị loại ra khỏi chỉ số, nhưng tạo cơ hội cho các cổ phiếu khác có tính thanh khoản cao thay thế. Ngoài ra, với việc giới hạn tỷ trọng ngành trong VN30, nhóm ngân hàng sẽ bị giảm tỷ trọng trong đợt cơ cấu sắp tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam

HOSE-Index 4.0 là một phiên bản nâng cấp đáng kể của chỉ số chứng khoán Việt Nam, tập trung vào việc nâng cao chất lượng và tính minh bạch của thị trường. Việc gia tăng yêu cầu về khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh sẽ đảm bảo chỉ những cổ phiếu có tính thanh khoản tốt mới được đưa vào rổ chỉ số. Một tiêu chí khác là bổ sung tiêu chí về lợi nhuận sau thuế không âm, giúp loại bỏ những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không ổn định. Về tiêu chí vốn hóa ở bộ chỉ số lần này, bổ sung thêm ngưỡng giới hạn tỷ trọng vốn hóa áp dụng 40% đối với nhóm cổ phiếu cùng ngành trong rổ VN30, giúp giảm thiểu rủi ro tập trung vào một ngành cụ thể. Ngoài ra, tăng tần suất cập nhật thông tin về danh mục cổ phiếu thành phần và các chỉ số liên quan giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường.

Thay đổi tiêu chí lựa chọn sẽ dẫn đến việc cơ cấu lại rổ chỉ số, một số cổ phiếu có thể bị loại ra và những cổ phiếu mới sẽ được đưa vào, tạo ra cơ hội và thách thức mới cho các nhà đầu tư. Tiếp theo là sự biến động về dòng tiền khi các quỹ ETF theo dõi VN30 sẽ phải điều chỉnh danh mục đầu tư, dẫn đến sự dịch chuyển của dòng tiền giữa các cổ phiếu.

Điểm tích cực của việc thay đổi này là chỉ số sẽ phản ánh chính xác hơn tình hình của thị trường, dần hướng thị trường nâng cao tính minh bạch, nâng cao chất lượng, tạo niềm tin nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước. Về phía các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chí mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hoạt động.

Thời gian qua, tình hình vĩ mô và chính trị thế giới biến động khó lường đã tác động không nhỏ đến tâm lý chung của nhà đầu tư, trong khi số lượng doanh nghiệp niêm yết hầu như không tăng, khiến thanh khoản suy giảm. Để tạo động lực thúc đẩy thanh khoản, cần một chiến lược tổng lực nhằm tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển ở cả hai chiều, bao gồm thu hút các doanh nghiệp lên sàn nhiều hơn và tạo niềm tin cho nhà đầu tư tham gia thị trường. Bên cạnh đó, thị trường cần phát triển thêm các sản phẩm tài chính để đa dạng các loại hình đầu tư. Việc sửa đổi quy định về VN30 sẽ góp phần tạo ra một thị trường chứng khoán Việt Nam năng động, minh bạch và hấp dẫn hơn.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest

Tôi cho rằng, việc thay đổi bộ chỉ số VN30 theo phiên bản 4.0 có những điểm tích cực sau.

Một là, giúp cải thiện thanh khoản của chỉ số VN30 khi nâng tiêu chí thanh khoản đối với cổ phiếu thành phần từ 100.000 cổ phiếu/ngày với giá trị 10 tỷ đồng/ngày lên gấp 3. Việc cải thiện thanh khoản giúp nhà đầu tư giảm bớt cái nhìn tiêu cực khi không phải chứng kiến việc một mã nào đó có vài chục nghìn cổ phiếu được giao dịch cũng khiến chỉ số biến động mạnh.

Hai là, tiêu chí có lợi nhuận trong báo cáo tài chính giúp nâng cao chất lượng hàng hoá. Chúng ta từng chứng kiến việc mã ROS vào VN30 khiến thị trường thất vọng và tạo ra sự bi quan về chất lượng rổ hàng.

Ba là, việc giới hạn vốn hoá 40% cho một ngành giúp chỉ số có sự phản ánh chính xác hơn, không biến VN30 thành “Bank Index”.

Một cách tổng thể, việc nâng cao chất lượng bộ chỉ số hay tạo ra giỏ hàng tốt hơn sẽ có ích trong dài hạn, giúp nhà đầu tư bớt tiêu cực khi nhìn nhận thị trường và các quỹ mô phỏng có cách lựa chọn tốt hơn, vì không phải quỹ nào cũng muốn tập trung quá nhiều vào cổ phiếu ngân hàng (hiện chiếm tỷ trọng trên 50% trong VN30). Trong ngắn hạn, tiêu chí VN30 mới khi được áp dụng có thể gây biến động trong kỳ tái cơ cấu sắp tới của một số quỹ, khi nhiều mã ngân hàng sẽ bị bán ra, ngược lại các mã như HPG, MWG, VIC có thể được mua vào.

Về việc thị trường chứng khoán hiện có thanh khoản thấp, tình trạng này là do tính chu kỳ. Tháng 1 - 2 thường là tháng có thanh khoản thấp nhất trong năm. Do vậy, tôi cho rằng, khi yếu tố mùa vụ được phản ánh, chúng ta không cần quá lo lắng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn