NBB - 'Thửa ruộng' màu mỡ được CII cày xới hàng thập kỷ
Những dấu hỏi về sự hiện diện trở lại với vai trò công ty mẹ của CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (mã CII - HoSE) tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã NBB - HoSE) đã bắt đầu trong khoảng 3 tháng trở lại đây sau khi CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CII E&C) - một thành viên nhà CII thông báo mua xong 350.000 cổ phiếu NBB từ 15/11-14/12/2023.
Sau giao dịch, CII E&C nâng lượng sở hữu tại NBB lên hơn 12 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,02% vốn.
Thời điểm đó, nhóm cổ đông có liên quan đến CII đang sở hữu 49,62% vốn Năm Bảy Bảy - tiệm cận tỷ lệ có quyền chi phối công ty. Bản thân CII đang trực tiếp nắm giữ 37,52% vốn và là cổ đông lớn nhất.
NBB - "Bữa điểm tâm" nhiều hương vị của CII năm 2024
Theo thông tin mới nhất, ngày 4/3, HĐQT CII vừa thông qua phương án cho phép CII được nâng tỷ lệ sở hữu tối đa tại NBB lên mức 79,8% vốn nhằm đón đầu những cơ hội đầu tư tại một số dự án tiềm năng của Năm Bảy Bảy.
Cùng ngày, CII đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu NBB theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 7/3-5/4 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 42,51%. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của nhóm Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM tại NBB sẽ tăng lên mức 54,61% vốn, qua đó gián tiếp nắm quyền chi phối trở lại doanh nghiệp bất động sản này.
Còn nhớ thời điểm năm 2022, sau 6 lần liên tục bán ra, CII đã giảm sở hữu từ 87,94% về còn 49% vốn điều lệ, qua đó biến Năm Bảy Bảy thành công ty liên kết kể từ ngày 8/3 cùng năm.
Cần nhấn mạnh, chính nguồn thu từ việc chốt lời/giảm tỷ lệ sở hữu tại Năm Bảy Bảy ngay trong quý I/2022 đã giúp CII báo lợi nhuận quý kỷ lục 685 tỷ đồng. Quý này, doanh thu tài chính của công ty lên tới 916 tỷ. Tính chung cả năm 2022, CII đạt doanh thu gần 5.750 tỷ đồng và báo lãi sau thuế đột biến 860 tỷ.
Xa hơn, hồi cuối tháng 3/2016, CII từng giảm tỷ lệ sở hữu tại Năm Bảy Bảy xuống còn 19,99% qua đó không còn ghi nhận NBB là công ty liên kết kể từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016. Năm đó, lợi nhuận sau thuế của CII tăng từ 792 tỷ lên 999 tỷ đồng trước khi đạt đỉnh 1.613 tỷ trong năm 2017.
Phiên sáng 5/3, cổ phiếu NBB mở gap tăng trần lên mốc 23.050 đồng/cp. Dù vậy, mức hiện tại vẫn đang thấp hơn giá thời điểm "rời tay" CII hàng chục %.
Kể từ thời điểm không còn là công ty con của Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM, cổ phiếu NBB gần như mất thanh khoản, khối lượng giao dịch hiện còn 100.000-200.000 đơn vị/phiên so với mức 2-6 triệu cp giai đoạn cuối năm 2021 - đầu năm 2022.
Trong khi đó, cổ phiếu CII lúc 9h55, phiên sáng 4/3 tăng gần 4% lên mức 19.700 đồng/cp, khớp lệnh tạm tính 12,8 triệu đơn vị.
Cổ phiếu CII hiện thấp hơn rất nhiều giá tại thời điểm giảm sở hữu NBB về dưới 50% |
>> CII: Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình chia sẻ thông tin đấu giá đất Thủ Thiêm
NBB ra sao sau 2 năm bị "cắt sữa"?
Vắng mợ thì chợ hết đông/Mợ đi lấy chồng thì chợ hết vui!
NBB từng có giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận liên tục từ năm 2014-2019 |
Mất đi "bầu sữa mẹ", tình hình kinh doanh của NBB lao dốc mạnh ngay trong quý I/2022 với khoản lãi sau thuế chỉ 1,5 tỷ đồng - giảm 95,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại trừ mức lãi đột biến 15,6 tỷ trong quý IV/2022 và 7,5 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, lợi nhuận của Năm Bảy Bảy chủ yếu duy trì ngưỡng vài trăm triệu đồng/quý.
Kết thúc năm 2023, doanh thu công ty giảm năm thứ 3 liên tiếp về dưới 300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,1 tỷ. Các kết quả này đều cách rất xa mục tiêu 800 tỷ và 20,5 tỷ đã đề ra.
Cuối năm ngoái, HĐQT Đầu tư Năm Bảy Bảy đã đồng ý chuyển nhượng 30% quyền tham gia đầu tư và chia lợi nhuận hợp tác đầu tư phát triển khu đất tại phường 16, quận 8, TP. HCM cho CII để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Phối cảnh tổng thể dự án De Lagi |
Ngoài dự án trên, phía Năm Bảy Bảy cũng chấp thuận cho CII được tham gia và hợp tác dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi từ CTCP Đầu tư Pearl City (dự án do NBB làm chủ đầu tư).
Được biết, dự án De Lagi có diện tích đất sử dụng 124,5ha, tại xã Tân Phước, tỉnh Bình Thuận. Tổng mức đầu tư gần 2.726 tỷ đồng trong đó vốn góp của NBB là gần 1.826 tỷ; 900 tỷ đồng còn lại là vốn vay.
Ghi nhận tại thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2023, tồn kho tại dự án này là 845 tỷ đồng (toàn bộ là chi phí đầu tư phát triển dự án) - chiếm quá nửa tổng giá trị tồn kho.
Thực tế, sức khỏe tài chính của NBB đến thời điểm hiện tại là không mấy khả quan khi 73,5% tài sản được cấu thành từ nợ phải trả (bao gồm hơn 3.600 tỷ đồng vay nợ tài chính - gấp đôi vốn chủ sở hữu).
Với tình hình hiện tại, việc trở lại "bàn tay" của CII có lẽ là phương án khả dĩ cho Năm Bảy Bảy?
>> CII - NBB manh nha câu chuyện tái lập quan hệ 'mẹ con'?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn