NDN và MHC đẩy mạnh đầu tư tài chính

VN-Index có thể giảm trở lại

Ba tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, VN-Index tăng gần 14%, nhờ câu chuyện kỳ vọng hồi phục từ nền thấp trong năm 2023 và triển vọng nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4 tới nay, VN-Index dao động phổ biến trong vùng 1.250 - 1.290 điểm, sau khi có một nhịp giảm xuống dưới 1.180 điểm vào giữa tháng 4, một trong những nguyên nhân chính là do nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng.

Dữ liệu giao dịch trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, khối ngoại bán ròng hơn 1,45 tỷ cổ phiếu, tương ứng rút ròng 52.072,5 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động bán ròng tập trung vào quý II, với giá trị lên tới 38.200,9 tỷ đồng.

Xét về định giá, theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, P/E của VN-Index 5 năm gần đây dao động từ 10,4 - 15 lần, hiện tại là gần 14,8 lần. Định giá kém hấp dẫn và khối ngoại bán ròng kéo dài khiến nhà đầu tư nội có tâm lý thận trọng.

Chuyên gia môi giới của một công ty chứng khoán thuộc tốp đầu về thị phần đánh giá, thị trường đang trong tình trạng kém khả quan, nhất là khi thanh khoản gần đây sụt giảm, chỉ bằng một nửa so với mức bình quân trước đó. Theo đó, VN-Index khó có thể tái lập ngưỡng 1.300 điểm, mà có nguy cơ lùi xuống 1.200 điểm trong quý III này.

“Thị trường cần một nhịp giảm đủ lớn để hạ định giá, tạo câu chuyện mới nhằm thu hút dòng tiền”, vị môi giới nói.

“Soi” danh mục đầu tư cổ phiếu

Trên sàn chứng khoán, đa số doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, danh mục đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản. Tuy nhiên, tỷ trọng này tại một số doanh nghiệp ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận sau thuế.

Tại Nhà Đà Nẵng, tính đến ngày 31/3/2024, doanh nghiệp này đã dùng 393,7 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán, chiếm 30,2% tổng tài sản. Trong đó, Công ty đầu tư 52,1 tỷ đồng vào cổ phiếu STB của Sacombank, 46,2 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, 21,6 tỷ đồng vào cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, 17,6 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động, 8,7 tỷ đồng vào cổ phiếu QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh, 247,6 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.

Nhà Đà Nẵng hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, trong mỗi giai đoạn thường triển khai một dự án. Sau khi hoàn thành dự án Khu phức hợp The Monarchy - Block A với quy mô 1.842 m2 vào năm 2016, Công ty triển khai dự án Khu phức hợp The Monarchy - Block B với diện tích 8.967 m2, tổng vốn đầu tư 1.038 tỷ đồng, tập trung bàn giao căn hộ trong giai đoạn 2020 - 2023. Hiện tại, Nhà Đà Nẵng không có dự án mới gối đầu, mặc dù đã lên kế hoạch triển khai dự án Paracel từ nhiều năm trước.

Về kết quả kinh doanh, Nhà Đà Nẵng có 3 năm ghi nhận lãi kỷ lục là năm 2020 lãi 329,2 tỷ đồng, năm 2021 lãi 251,8 tỷ đồng, năm 2023 lãi 218,1 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty hạch toán doanh thu từ việc bàn giao căn hộ tại dự án Monarchy - Block B.

Tính đến cuối quý I/2024, dự án Monarchy - Block B gần như đã bàn giao xong, chỉ còn 113 tỷ đồng tồn kho và 40,4 tỷ đồng người mua trả tiền trước (hồi đầu năm 2020, dự án này ghi nhận tồn kho 721,7 tỷ đồng và người mua trả tiền trước 1.386,8 tỷ đồng).

Như vậy, nếu không có sự đột phá để triển khai dự án Paracel, hoặc thực hiện M&A dự án khác, Nhà Đà Nẵng sẽ thiếu dự án gối đầu và lợi nhuận phụ thuộc vào hoạt động đầu tư tài chính.

Danh mục đầu tư tài chính của Nhà Đà Nẵng tập trung vào các cổ phiếu cơ bản như STB, HPG, DGC, MWG, QTP…, nhưng doanh nghiệp cũng khó tránh khỏi nguy cơ suy giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí thua lỗ trong trường hợp thị trường chứng khoán điều chỉnh.

Nếu như năm 2021, thị trường chứng khoán thuận lợi, Nhà Đà Nẵng ghi nhận lãi 78 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, thì năm 2022, thị trường khó khăn, hoạt động này lỗ 163 tỷ đồng, dẫn lợi nhuận sau thuế âm 143 tỷ đồng.

Tương tự, MHC đầu tư 249,59 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán tính đến cuối quý I/2024, chiếm 34,1% tổng tài sản. Trong đó, Công ty đầu tư 105 tỷ đồng vào cổ phiếu EVF của Công ty tài chính cổ phần Điện Lực, 55,1 tỷ đồng vào cổ phiếu PXL của Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, 49,7 tỷ đồng vào cổ phiếu EIB của Eximbank, 39,7 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.

MHC tiền thân là Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội, thành lập năm 1998, hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ, đường bộ, kho bãi, lưu giữ hàng hoá. Trong năm 2022, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi hoạt động tài chính (đầu tư chứng khoán). Cụ thể, Công ty ghi nhận lỗ 30,79 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do dự phòng giảm giá chứng khoán 67,7 tỷ đồng, lỗ thanh lý các khoản đầu tư 115,3 tỷ đồng.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, Ban lãnh đạo MHC chia sẻ, các khoản đầu tư tài chính của Công ty đều có mức lợi nhuận tốt hơn so với việc gửi ngân hàng. Năm nay, MHC đặt kế hoạch đạt 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 25% so với năm ngoái.

Vậy nhưng, giá cổ phiếu MHC trên sàn chứng khoán vẫn đi ngang, dao động quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu kể từ giữa tháng 4 tới nay, dù doanh nghiệp lãi trước thuế 7,1 tỷ đồng trong quý I, cải thiện mạnh mẽ so với mức lỗ 36,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, khi ngành nghề cốt lõi đang thiếu các dự án và/hoặc đóng góp không đáng kể vào tình hình kinh doanh, Nhà Đà Nẵng và MHC dành nhiều nguồn lực tài chính để đầu tư chứng khoán nhằm tối ưu hoá dòng vốn, kỳ vọng đóng góp vào tổng lợi nhuận. Tuy nhiên, việc chuyển một phần ba tổng tài sản thành danh mục cổ phiếu có thể kéo lùi lợi nhuận, thậm chí gây thua lỗ như đã từng xảy ra trong quá khứ, nếu thị trường chứng khoán điều chỉnh.

Xét trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán được không ít công ty chứng khoán đánh giá có triển vọng sáng. Đơn cử, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam nhận định, trong nửa cuối năm 2024. VN-Index có thể hướng đến vùng 1.340 - 1.390 điểm, với kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay tăng trưởng 15% (quý I tăng 11,5%), hệ thống giao dịch mới sẽ được đưa vào vận hành, thị trường dần đáp ứng các tiêu chí để được nâng hạng…

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn