NĐT cá nhân giải ngân gần 3000 tỷ đồng tháng cuối năm 2024, tâm điểm một cổ phiếu ngân hàng

Trong tháng 12 năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những biến động đáng chú ý, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2024, VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Trong tháng 12, thanh khoản có xu hướng giảm, đặc biệt trong những phiên giao dịch cuối năm, cho thấy sự thận trọng và chờ đợi của nhà đầu tư trước các biến động kinh tế và chính sách.

Nhà đầu tư trong nước và quốc tế duy trì sự thận trọng do lo ngại về biến động kinh tế toàn cầu và các yếu tố địa chính trị, dẫn đến việc giảm thanh khoản và xu hướng bán ròng của khối ngoại.

Trong tháng 12, NĐT cá nhân mua ròng gần 2.960 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng gần 1.345 tỷ đồng qua khớp lệnh. Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên mua với 12/18 nhóm ngành được gom ròng. Trong đó, cổ phiếu bất động sản dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 649 tỷ đồng. Tương tự, nhóm bán lẻ cũng được gom ròng 647 tỷ đồng, …

Hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin (563 tỷ đồng), dầu khí (278 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (225 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (209 tỷ đồng), ngân hàng (148 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu dịch vụ tài chính với giá trị 1.139 tỷ đồng. Theo sau, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 273 tỷ đồng ở nhóm xây dựng & vật liệu, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như hàng cá nhân & gia dụng, ô tô & phụ tùng, tài nguyên cơ bản, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thống kê giao dịch khớp lệnh theo từng mã, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được mua ròng nhiều nhất trong tháng 12. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân gom ròng 958 tỷ đồng cổ phiếu VCB, trái ngược so với lực xả mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư nước ngoài (1.167 tỷ đồng).

Đứng thứ hai trong danh sách mua ròng là VRE với 692 tỷ đồng. Hai cổ phiếu “họ Vin” khác là VIC và VHM cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 228 tỷ và 213 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu ngân hàng cũng được NĐT cá nhân gom ròng như BID (582 tỷ đồng), VPB (289 tỷ đồng), NAB (144 tỷ đồng). Mặt khác, hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu FPT (331 tỷ đồng), NLG (324 tỷ đồng), CMG (235 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, NĐT cá nhân quay đầu bán ròng mạnh nhất cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI với 710 tỷ đồng. Một cổ phiếu khác thuộc nhóm chứng khoán cũng nằm trong Top 10 rút ròng là VIX với 210 tỷ đồng.

Kế đó, dòng tiền cá nhân cũng rút khỏi một số cổ phiếu ngân hàng như TCB (517 tỷ đồng), STB (422 tỷ đồng), CTG (414 tỷ đồng), HDB (396 tỷ đồng). Danh mục bán ròng của cá nhân nội còn có sự góp mặt của DGC, KDH, CTR và HDG với giá trị 180 - 407 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Xem thêm tại vietnambiz.vn