NĐT cá nhân 'xuống tiền' gần 20.000 tỷ đồng trong tháng 5, mã nào là tâm điểm?
Bất chấp áp lực xả liên tiếp từ khối ngoại, thị trường chứng khoán vẫn hồi phục mạnh mẽ trong tháng 5. Đóng góp của các NĐT cá nhân giữ vai trò quan trọng khi khối này là bên mua ròng duy nhất cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.
VN-Index khép lại tháng 5 tại mức giá 1.261 điểm, tăng 52,2 điểm, tương đương 4,32% so với cuối tháng 4. Như vậy, chứng khoán Việt đã không giảm trong tháng 5 với lo ngại “Sell in May”.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường trong tháng 5 đạt 25.054 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 21.802, giảm nhẹ 1% so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn 5,7% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.
Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất. Giao dịch của nhóm này đã cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.
Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng gần 19.927 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng gần 15.524 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 12/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 7.628 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 5.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hơn nghìn tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (3.112 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (2.459 tỷ đồng), công nghệ thông tin (1.601 tỷ đồng).
Cùng chiều, các ngành dầu khí, điện, nước & xăng dầu khí đốt, hóa chất, xây dựng & vật liệu … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.
Chiều ngược lại, NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu du lịch & giải trí với quy mô gần 299 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành bán lẻ, ô tô & phụ tùng cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị lần lượt là 248 tỷ đồng và 145 tỷ đồng.
Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở cổ phiếu bảo hiểm, hàng cá nhân & gia dụng, tài nguyên cơ bản với quy mô dưới trăm tỷ đồng.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, VHM là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 2.000 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu VHM từ khối ngoại.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Vinhomes đóng cửa phiên 31/5 tại 38.850 đồng/cp, giảm gần 4,8% so với thời điểm cuối tháng 4.
Theo sau, lực mua các cá nhân tìm đến CTG của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) với giá trị 1.638 tỷ đồng.
Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của nhóm công nghệ, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản như FPT (1.239 tỷ đồng), MBB (1.094,2 tỷ đồng), VCB (970 tỷ đồng), VND (752 tỷ đồng), VPB (735 tỷ đồng), SSI (669 tỷ đồng), VRE (667 tỷ đồng) và STB (633 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã DBC với 598 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu quý I tăng 41% lên mức 3.253 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá vốn chậm hơn giúp công ty có lợi nhuận gộp 349 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp theo đó chuyển từ số âm sang dương 10,7%.
Công ty báo lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ kỷ lục cùng kỳ năm ngoái và nối tiếp chuỗi có lãi 4 quý liên tiếp.
Bên cạnh đó, NĐT ngoại còn bán ròng NLG và HVN với quy mô lần lượt là 597 tỷ đồng và 468 tỷ đồng. Cùng chiều các cá nhân rút ròng hàng trăm tỷ đồng các mã GEX, MWG, POW, VSC, KDH, REE và SAB.
Xem thêm tại vietnambiz.vn