NĐT nên làm gì khi chứng khoán mất mốc 1.200?

Đà giảm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) đã nối dài qua đầu tháng 8. Đến phiên 5/8, VN-Index lao dốc gần 49 điểm về 1.188 điểm.

Bàn về nguyên nhân, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV cho rằng diễn biến tiêu cực của TTCK toàn cầu với các chỉ số chính của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... lao dốc mạnh là tác nhân chính khiến chứng khoán Việt Nam điều chỉnh trong phiên 5/8.

Các nguyên nhân chính cho diễn biến trên bao gồm số liệu thất nghiệp ở Mỹ ra vào phiên cuối tuần trước tăng mạnh lên 4,3% khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại suy thoái quay trở lại; báo cáo tài chính quý II của nhóm cổ phiếu công nghệ không tích cực như kỳ vọng khiến giới đầu tư hoài nghi về triển vọng AI.

Cùng với đó là động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khiến TTCK nước này lao dốc, đồng thời khiến các giao dịch carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) tỷ giá USD/JPY chịu thua lỗ nặng qua đó gây áp lực về dòng tiền lên các kênh đầu tư khác; và một số bất ổn địa chính trị trên thế giới xuất hiện diễn biến căng thẳng mới.

VN-Index kết phiên 5/8 tại 1.188 điểm, gần chạm đáy 1.175 điểm lập vào tháng 4. (Biểu đồ: TradingView).

Nhận định của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, nguyên nhân chính dẫn đến đà rơi của VN-Index chủ yếu đến từ diễn biến tiêu cực chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây của chứng khoán trong khu vực. Nikkei 225 đã rơi gần -13% trong khi trong phiên có lúc rơi hơn -15%. Chỉ số thị trường Hàn Quốc cũng giảm gần 10% và có thời điểm phải ngắt mạch.

“Diễn biến đà rơi của VN-Index là rất lớn, nhưng thực sự so với nhiều thị trường vẫn là khả quan hơn nhiều”, ông Huy đánh giá.

Sau phiên giảm điểm, đa phần nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái tâm lý bi quan. Nhiều nhà đầu tư băn khoản rằng liệu thị trường đã chạm đáy chưa hay còn rủi ro giảm điểm tiếp.

Theo ông Trần Đức Anh, đối với triển vọng TTCK Việt Nam, việc điều chỉnh mạnh theo xu hướng chung của TTCK toàn cầu trong ngắn hạn là không tránh khỏi. Trong trung hạn, nhà đầu tư cần đánh giá cụ thể tác động của 4 yếu tố trên đến kinh tế trong nước, cũng như triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết và mặt bằng lãi suất.

Trong khi ba tác nhân sau có mức độ tác động trực tiếp là không đáng kể, yếu tố đầu tiên liên quan đến rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ tiềm ẩn rủi ro đến hoạt động xuất khẩu, cũng như thu hút vốn FDI, qua đó tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, kỳ vọng Fed nhanh chóng hạ lãi suất là yếu tố tích cực, hỗ trợ mạnh cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, qua đó có thêm dư địa duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

“Theo đó, tôi cho rằng tác động thực tế của việc Mỹ suy thoái còn cần đánh giá thêm từ góc độ mức độ suy thoái, cũng như hành động của Fed. Nhà đầu tư cần bình tĩnh, duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tránh sử dụng margin và việc vội vã bán tháo danh mục là không cần thiết”, chuyên gia KBSV chia sẻ.

Ông Bùi Văn Huy đánh giá về mặt lý thuyết, khi xuyên qua vùng 1.200 điểm quanh MA200 đối với VN-Index, các tín hiệu thị trường được xem là rất xấu. Tuy nhiên, hiện tại tâm lý mang tính hoảng loạn. Nhà đầu cần chờ xem diễn biến một vài phiên tới xem tình hình thế giới có ổn định trở lại hay tiếp tục xấu đi.

“Nếu tình hình thế giới ổn định trở lại và thị trường lấy lại mốc 1.200 điểm trong những phiên tới, thì những phiên hôm nay chỉ xem là phản ứng thái quá về mặt tâm lý. Nếu nội tại trong nước không bị ảnh hưởng, những đợt giảm sâu là cơ hội đầu tư. Tuy nhiên lưu ý không dùng margin và chỉ nên đầu tư vào các mã an toàn”, chuyên gia DSC khuyến nghị.

Xem thêm tại vietnambiz.vn