Nên gửi tiền vào ngân hàng hay đầu tư trái phiếu?
Chiều 5/7, Trang TTĐTTH VietnamBiz tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?". Trao đổi về vấn đề các lớp tài sản đầu tư tại Việt Nam, ông Huỳnh Hoàng Phương - Chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT cho rằng gửi tiền ngân hàng chưa hấp dẫn và trái phiếu chưa phải là kênh ông lựa chọn tham gia đầu tư.
Cụ thể, ông cho Phương rằng, với tiền gửi, lãi suất có thể tăng nhưng không nhiều và chưa thực thực sự hấp dẫn.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, lợi suất có thể hấp dẫn, nhưng khả năng đánh đổi giữa gửi tiết kiệm và trái phiếu giai đoạn này cũng chưa thực sự hấp dẫn, vì biến số của các doanh nghiệp bây giờ là rất lớn.
Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản CTCP FIDT đồng quan điểm với ý kiến trên của ông Phương.
Ông Phương chia sẻ, “Tôi cũng từng đầu tư vào trái phiếu giai đoạn cuối 2022 với lãi suất khá hấp dẫn, có thể lên đến hơn 30%. Điều này cho thấy đó là giai đoạn có cơ hội để mua”.
Vị chuyên gia nói thêm, dù có rủi ro, nhưng nếu thấy cơ hội đủ bù lại rủi ro thì sẽ là cơ hội hấp dẫn. Thời điểm hiện tại, với góc độ nhà đầu tư thông thường, quan điểm của vị chuyên gia này vẫn không phải là thời điểm tốt để đầu tư.
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động. Theo khảo sát, lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất ở kỳ hạn 3 tháng ghi nhận ở mức 4%/năm trên thị trường, thuộc về ngân hàng ABBank và Eximbank.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng nâng lên mức cao nhất là 5,6%/năm và lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng lên 5,8%/năm đang được niêm yết tại ABBank.
Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng chạm ngưỡng 6,0%/năm, hiện đang được niêm yết tại ABBank.
Theo chuyên gia kinh tế Ts. Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian tới, nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn và các ngân hàng tăng lãi suất để chuẩn bị nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào cuối năm.
Đối với trái phiếu, theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/06/2024, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 40.147 tỷ đồng và 3 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng trong tháng 6/2024.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 4,2% giá trị.
Trong tháng 6, các doanh nghiệp đã mua lại 13.336 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 139.765 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58.782 tỷ đồng, tương đương 42%.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn