Nên tăng gói tín dụng lâm, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi so với ban đầu

Nên tăng gói tín dụng lâm, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi so với ban đầu

Đây là quan điểm của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 của NHNN diễn ra ngày 20/02/2024.

Theo NHNN, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm qua, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6,95%.

Trong đó, với chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”.

Ngày 14/7/2023, NHNN đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.

Về quy mô tín dụng của chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng). Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản kéo dài đến 30/6/2024, với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.

Đến nay, đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB.

Liên quan đến gói tín dụng cho vay thủy sản, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, hiện Ngân hàng cũng không có vướng mắc gì và sẽ tăng dư nợ gói tín dụng này theo yêu cầu của NHNN. Tương tự, các nhà băng khác cho biết, sẵn sàng cung ứng vốn cho lĩnh vực lâm, thủy sản, với mức lãi suất cho vay ưu đãi.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Lãi suất cho vay thấp cũng khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản - lĩnh vực có lợi thế quốc gia và là động lực tăng trưởng, nhất là dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Nếu các hoạt động này được duy trì và phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hoạt động kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

NHNN cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm 2023, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt tăng 6,95%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,29%; ngành thương mại dịch vụ tăng 15,83%.

Tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, đến cuối năm 2023 tín dụng lĩnh vực NNNT tăng 11,56%; tín dụng đối với DNNVV tăng 13,61%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 6,57%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lần lượt tăng 26,18% và 17,52%.

Tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối năm 2023 tăng 7,83% so với cuối năm 2022, chiếm 21,19% dư nợ nền kinh tế.

Tín dụng chính sách tại NHCSXH đến 31/01/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 336.431 tỷ đồng, tăng 1,36% so với tháng 12/2023 với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ (cuối năm 2023 tăng 17%).

Kết quả một số chương trình, chính sách tín dụng: (i) Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn;

(ii) Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các NHTM đã giải ngân cho 06 dự án với số tiền là 531 tỷ đồng và giải ngân cho người mua nhà với số tiền là 4,5 tỷ đồng;

(iii) Chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) và 02 công ty tài chính HDSaison và FECredit, đã giải ngân cho công nhân khoảng 10.056 tỷ đồng.

(iv) Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến 31/12/2023, đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng;

(v) Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, lũy kế số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến 31/12/2023 (thời điểm kết thúc chính sách theo quy định) đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn