Nếu tăng cân, khuôn mặt thay đổi, chuyển tiền với giá trị trên 10 triệu đồng sẽ bị gián đoạn?
Quyết định 2345 đã chính thức có hiệu lực. Như vậy, kể từ ngày 1/7, với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, khách hàng buộc phải là dữ liệu khuôn mặt.
Dữ liệu sinh trắc học cập nhật lần này khác với dữ liệu sinh trắc học đã lưu trên điện thoại thông minh của người dùng. Dữ liệu sinh trắc học là khuôn mặt được các ngân hàng thu thập mới đây, và đối sánh trùng khớp với dữ liệu khuôn mặt đã được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.
Tuy nhiên, sau việc thực hiện chuyển tiền giá trị lớn trên 10 triệu đồng buộc phải triển khai từ ngày hôm qua 1/7, một số trường hợp khách hàng khi thực hiện giao dịch gặp phải vấn đề về việc dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt được thông báo không trùng khớp.
Chị N.L (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Khi thực hiện chuyển khoản 15 triệu đồng, ứng dụng ngân hàng yêu cầu phải xác thực khuôn mặt. Tuy nhiên, cả 2 lần, ứng dụng ngân hàng báo khuôn mặt của tôi không trùng khớp và thử lại. Đến lần thứ 3, dữ liệu khuôn mặt mới xác thực trùng khớp".
Chị N.L đặt ra vấn đề: "Trước đó, tôi có đeo kính trong quá trình tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học là khuôn mặt. Tôi đã thử nghiệm bỏ kính ra khi chuyển tiền giá trị trên 10 triệu đồng nhưng ứng dụng ngân hàng cũng báo dữ liệu xác thực không trùng khớp. Điều này khiến khách hàng gặp khó khăn nếu như thay đổi một số chi tiết trên khuôn mặt".
Cũng như chị N.L, chị T.T.H (Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại: "Nếu trường hợp tôi điều chỉnh một số nét trên khuôn mặt như xăm mày, sửa mũi, chỉnh cằm thì dữ liệu khuôn mặt sau thay đổi sẽ không khớp với dữ liệu đã từng thu thập. Hay đơn cử như sau thời gian vài tháng, tôi tăng cân, khuôn mặt thay đổi. Hoặc có thể sụt cân nhanh chóng, dữ liệu khuôn mặt cũng thay đổi. Vậy thì việc chuyển tiền giá trị lớn trên 10 triệu đồng buộc phải xác thực sinh trắc học có thể bị gián đoạn do không khớp dữ liệu".
Theo thông báo từ một số ngân hàng mới đây, khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Tuy nhiên, trường hợp khách hàng thay đổi khuôn mặt, khách hàng được cập nhật bổ sung và không hạn chế số lần cập nhật. Việc cập nhật lại thông tin sẽ giúp khách hàng không gặp gián đoạn khi thực hiện giao dịch.
Cụ thể, mới đây, Vietcombank cho biết: Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung và không hạn chế số lần cập nhật.
Ngân hàng Agribank cũng thông tin: Mỗi khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng để đảm bảo an toàn cho tài khoản. Nếu có bất kỳ thay đổi nào, khách hàng có thể chủ động cập nhật bổ sung mà không bị giới hạn số lần.
Như vậy, khách hàng khi có sự thay đổi về khuôn mặt có thể cập nhật lại dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng để thực hiện chuyển khoản giao dịch có giá trị lớn. Khách hàng có thể ra quầy để cập nhật lại sinh trắc học là dữ liệu khuôn mặt hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền lớn nếu gặp lỗi phát sinh từ app ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.
Theo các chuyên gia, việc xác thực sinh trắc học sẽ giúp người dân chủ động bảo vệ được tài khoản ngân hàng của mình, đồng thời đảm bảo các giao dịch diễn ra liền mạch và thông suốt. Hơn nữa, biện pháp xác thực này sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống lừa đảo, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản do tội phạm công nghệ gây ra.
Xem thêm tại cafef.vn