Nếu tỷ giá JPY/VND hiện tại được giữ nguyên, ACV sẽ phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng vào cuối năm
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV-UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024.
Theo đó, trong quý 2, doanh thu của ACV ghi nhận đạt 5.525 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế của ACV đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 23,7% (3.234 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng năm 2024, doanh thu của ACV đạt 11.178 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận trước thuế đạt 7.628 tỷ đồng, tăng 45% (5.264 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 6.150 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ (4.234 tỷ) và hoàn thành 81% mục tiêu lợi nhuận năm đề ra (9.378 tỷ đồng).
Theo giải trình từ phía công ty, công ty ghi nhận doanh thu tiếp tục phục hồi, nhờ vào sự tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế, một chủ đề nổi bật trong ngành hàng không giai đoạn năm 2023-2024.
Cụ thể, tổng lượng hành khách qua cảng của ACV đạt 26,8 triệu hành khách, giảm 8,3% so cùng kỳ, chủ yếu do lượng hành khách nội địa giảm 22% do thiếu máy bay. Ngược lại, lượng hành khách quốc tế tăng 30,3%, đạt 10 triệu người.
Đáng chú ý, ACV cũng ghi nhận khoản lãi tỷ giá không phải tiền mặt là 434 tỷ đồng từ khoản vay vốn ODA bằng đồng Yên hiện tại là 11 nghìn tỷ đồng, khi đồng Yên mất giá mạnh vào quý 2/2024. ACV ghi nhận khoản lãi tỷ giá tổng cộng là 517 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 so với khoản lỗ 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, chủ yếu là do biến động tỷ giá của đồng Yên.
Tuy nhiên, gần đây, thông tin đồng Yên tăng giá mạnh so với USD cũng như VND do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đột ngột tăng lãi suất. Cụ thể, chúng tôi quan sát thấy đồng Yên đã tăng 9,5% từ mức đáy so với VND lên 172 VND/JPY và đưa tỷ giá JPY/VND trở lại mức đầu năm 2024.
Trong đó, ACV có khoản vay bằng đồng Yên khoảng 11.000 tỷ đồng, nghĩa là khi đồng JPY tăng giá 1% so với VND sẽ dẫn đến khoản lỗ tỷ giá 110 tỷ đồng. Do đó, nếu tỷ giá JPY/VND hiện tại được giữ nguyên cho đến cuối năm nay, ACV sẽ phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024, và mất hết khoản lãi tỷ giá từ đầu năm.
Theo nhận định từ SSI Research, SSI Research nhận thấy thu nhập lãi giảm dần (từ hơn 400 tỷ đồng trong các quý trước xuống còn hơn 200 tỷ đồng trong quý 2), vì ACV đang đẩy nhanh đầu tư vào các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành (100 nghìn tỷ đồng hay 4 tỷ USD) và Nhà ga số 3 - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (11.000 tỷ đồng hay 440 triệu USD).
Cũng theo quan điểm của SSI Research, mặc dù biến động của đồng Yên khá lớn và bất ngờ và SSI Research không thấy có tác động quá lớn đến ACV.
Đầu tiên và quan trọng nhất, biến động gần đây của đồng Yên chỉ đưa tỷ giá trở lại mức đầu năm 2024, do đó, sẽ không gây bất lợi đến ACV về mặt lợi nhuận kế toán nếu nhìn vào báo cáo KQKD của năm 2024.
Thứ hai, SSI Research cho rằng ngay cả trong trường hợp nếu đồng Yên tăng giá thêm 5%, khoản lỗ tỷ giá 500 tỷ đồng vẫn khá nhỏ so với mức lợi nhuận trước thuế hiện tại của công ty là 14-15 nghìn tỷ đồng/năm và đang tiếp tục tăng lên.
Qua đó, SSI Research duy trì mức giá mục tiêu là 136.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 23,7%) dựa trên EV/EBITDA mục tiêu dự phóng cho năm 2025 là 16x và nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu ACV từ "khả quan" lên "mua" vì chúng tôi cho rằng rủi ro giảm giá từ mức giá này là thấp.
SSI Research cũng cho biết, rủi ro đối với khuyến nghị của SSI là rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu đi lại không thiết yếu của du lịch nước ngoài thấp hơn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng hành khách quốc tế và lợi nhuận của ACV.
Xem thêm tại vneconomy.vn