Ngân hàng 'ăn nên làm ra', hơn 10 nhà băng báo lãi trên chục nghìn tỷ

Tính tới đầu tháng 2, ngoại trừ Eximbank, Agribank và 5 ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt hoặc chuyển giao bắt buộc (SCB, DongABank, MBV, VCBNeo, GPBank), đã có 25 ngân hàng thương mại trong nước công bố báo cáo tài chính quý IV/2024. Qua đó cho thấy bức tranh lợi nhuận trước thuế có sự phân hoá mạnh của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Ngân hàng tư nhân bứt phá mạnh mẽ

Theo báo cáo tài chính đã công bố của 25 ngân hàng thương mại, năm 2024 có 12 nhà băng đạt lợi nhuận trên chục nghìn tỷ. Đứng đầu là Vietcombank với 42.000 tỷ đồng, tiếp đó là BIDV: 30.000 tỷ đồng, MB: 28.800 tỷ đồng, Agribank: 27.927 tỷ đồng, Techcombank: 27.538 tỷ đồng, Vietinbank: 26.300 tỷ đồng, ACB: 21.000 tỷ đồng, VPBank: 20.013 tỷ đồng, HDBank: 16.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2024, lần đầu tiên Sacombank, LPBank và SHB gia nhập "câu lạc bộ" lãi trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, Sacombank ghi nhận 12.700 tỷ đồng, LPBank: 12.168 tỷ đồng và SHB: 11.543 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng như: VIB (9.000 tỷ đồng), TPBank (7.600 tỷ đồng), SeABank (6.039 tỷ đồng), NamABank (4.545 tỷ đồng), Eximbank (4.188 tỷ đồng)…

So với năm 2023 khi có tới 8 đơn vị nằm trong nhóm có lợi nhuận dưới 1.000 tỷ, có thể thấy một số nhà băng đã bứt phá đáng kể trong năm vừa qua. Trong đó, VietABank và KienlongBank là 2 cái tên đã thành công vượt mốc nghìn tỷ trong năm 2024.

-9606-1738661167.jpg

Năm 2024, Vietcombank đạt lợi nhuận 42.000 tỷ đồng.

Năm 2024, chỉ còn lại 6 ngân hàng ghi nhận lãi dưới 1.000 tỷ, gồm: BVBank báo lãi trước thuế 391 tỷ đồng, PGBank đạt 421 tỷ đồng, ABBank đạt 809 tỷ đồng, NCB đạt 350 tỷ đồng, SaigonBank đạt 99 tỷ đồng và Baoviet Bank đạt 86 tỷ đồng.

Đáng chú ý, không phải tất cả các ngân hàng trong nhóm có lợi nhuận thấp đều "dậm chân tại chỗ", một số nhà băng có sự bứt phá mạnh mẽ. Chẳng hạn, tăng trưởng lợi nhuận của BVBank gấp hơn 5 lần so với năm trước và hoàn thành gần 200% kế hoạch đề ra. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần tăng 56%, đạt 2.306 tỷ đồng, cùng với lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 105%, mang về 46 tỷ đồng.

NCB cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với mức tăng gần 200% so với năm trước.

Trong nhóm này, duy chỉ có BaoViet Bank báo cáo lợi nhuận thấp hơn năm 2023, với mức giảm 4,44%.

Đánh giá tổng thể năm 2024, các ngân hàng nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng của tổ chức tín dụng, tuy nhiên vẫn cải thiện hơn so với năm 2023.

Dự báo lợi nhuận năm 2025 tiếp tục tăng tốc

Các chuyên gia dự báo năm 2025 là thời điểm tăng tốc và bứt phá của cả nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8%, hướng tới tăng trưởng kinh tế 2 con số. Để hỗ trợ mục tiêu này, tín dụng ngân hàng đặt mục tiêu tăng 16% - cao hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2024 là 15,08%. Năm 2025 do đó được kỳ vọng sẽ là một năm khởi sắc hơn với ngành ngân hàng.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB nhận định: "Nhìn vào bức tranh tổng quan của nền kinh tế có thể thấy rất nhiều điểm sáng. Thứ nhất, chúng ta nói đến một kỷ nguyên mới mà Chính phủ đã đề ra, một loạt cải cách của Chính phủ, một loạt những dự án đầu tư công sẽ tạo lực thúc đẩy mới cho nền kinh tế. Chúng ta cũng thấy những dự án bất động sản cũng được gỡ nút thắt về pháp lý. Niềm tin của người tiêu dùng cũng đã được cải thiện, tôi nghĩ đấy là một nền tảng rất tốt cho ngành ngân hàng trong năm 2025".

Ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tìm cách hút dòng tiền gửi, đồng thời khơi thông, mở rộng dòng chảy vốn ra nền kinh tế với hàng loạt gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên như thuỷ hải sản, gạo, nhà ở xã hội...

Ngày 3/2, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong năm 2025 và thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng cần nghiên cứu chính sách ưu đãi cho cả người xây dựng, phát triển nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội, góp phần giúp người thu nhập thấp có nhà ở.

Đồng thời, cần tích cực hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để làm công tác này, tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng trên tinh thần "khó mấy cũng phải làm".

Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Các nhóm phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, việc tuân thủ các quy định của Basel III và yêu cầu tăng vốn tự có đang tạo áp lực lớn lên các ngân hàng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong huy động vốn và kiểm soát rủi ro tín dụng cũng là những vấn đề đáng lo ngại.

Với chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng hoạt động tín dụng, các ngân hàng lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu. Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, để có thể mở rộng dư nợ vào các phân khúc khách hàng mục tiêu, chìa khoá sẽ nằm ở trải nghiệm của khách hàng, ở việc ngân hàng hiểu khách hàng tới đâu cũng như hệ sinh thái sản phẩm. Do đó, công nghệ vẫn là trọng tâm đầu tư của các ngân hàng trong năm 2025. Đồng thời, duy trì lãi suất cho vay cạnh tranh cũng là bài toán ưu tiên trong năm nay, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá do tác động từ bên ngoài vẫn hiện hữu.

Năm 2025 dự báo sẽ là năm của những cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, khi các ngân hàng nhỏ nỗ lực vươn lên, còn các "ông lớn" tập trung củng cố vị trí trên thị trường. Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ: "Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu về vốn tăng lên. Ngân hàng phải cạnh tranh. Một mặt, ngân hàng phải giữ hoặc giảm lãi suất, nhưng không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh".

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn