Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ trong quý I

Hé lộ những con số khả quan

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 4/4 vừa qua, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, tính đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng 3,7% so với cuối năm 2023, cao hơn so với mức chung toàn ngành (0,26%) và tích cực hơn so với hai tháng đầu năm; huy động vốn tăng trưởng 2,1% so với cuối năm 2023; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) cũng cải thiện, đạt 23%. Lợi nhuận trước thuế quý I của ACB ước đạt 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Nhờ khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nên lợi nhuận của ACB vẫn ở mức khả quan.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB tiết lộ, trong quý đầu năm, Ngân hàng đạt 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và “mục tiêu lợi nhuận hơn 12.000 tỷ đồng trong năm nay của VIB là khả thi”.

Kết thúc quý I, tín dụng của VIB tăng 1% so với cuối năm 2023. Năm 2024, VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả năm ngoái, mục tiêu này đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Một số chỉ tiêu kinh doanh khác được Ngân hàng đặt ra như tổng tài sản dự kiến tăng 20%, lên 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024; trong đó, dư nợ tín dụng tăng 20%, lên 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng trưởng 21%, lên mức 315.200 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng dưới 3%.

Trên cơ sở tăng vốn điều lệ, Ban lãnh đạo VIB dự phóng các chỉ số ROA, ROE lần lượt ở mức 2,2% và 24%. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức trên 10%, so với 11,73% vào thời điểm cuối năm 2023.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt khoảng 4,6%; huy động vốn tăng khoảng 5%; lợi nhuận đạt 1.000 - 1.200 tỷ đồng trước thuế.

Theo tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

SeABank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với con số lợi nhuận hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu nhập hoạt động quý I của Ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank cũng ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, tổng huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 168.605 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 181.238 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm trước. Tổng tài sản của SeABank là 271.614 tỷ đồng, tăng 2,06%, tương đương tăng ròng 5.492 tỷ đồng so với cuối năm 2023; vốn điều lệ đạt 24.957 tỷ đồng.

Năm nay, SeABank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 4.710 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023; ROE đạt 13,93%; tổng tài sản tăng 10%, huy động vốn tăng 16%, tăng trưởng tín dụng dự kiến 16,1%.

Lãnh đạo một ngân hàng tư nhân khác có trụ sở tại TP.HCM cũng cho hay, kết thúc quý I, nhà băng này khả năng đạt khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và “với đà này, có cơ sở để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng trước thuế đã được đại hội cổ đông thường niên 2024 thông qua”.

Các nhà băng kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng dần cải thiện ở các quý tới là cơ sở để thực hiện chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho cả năm nay, kể cả với những ngân hàng có tham vọng lợi nhuận là con số tỷ đô. Sự tự tin này một phần tới từ việc mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2024 của nhiều ngân hàng chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái. Cụ thể, ACB dự kiến lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10%; Vietcombank ước đạt 44.000 tỷ đồng, tăng 10%; MB ước đạt 28.800 tỷ đồng, tăng 6 - 8%; VIB ước đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13%...

Tự tin với chỉ tiêu cả năm

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/3, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Trước đó, tăng trưởng tín dụng ghi nhận con số âm 0,72% trong hai tháng đầu năm. Các nhà băng kỳ vọng hoạt động tín dụng sẽ dần tích cực hơn trong thời gian tới, tác động lên kết quả kinh doanh chung.

Ông Đặng Khắc Vỹ cho hay, VIB hiện cho vay với mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường, thậm chí thấp hơn cả ngân hàng quốc doanh, với lãi suất cho vay mua nhà chỉ ở mức 5,5 - 7%/năm, tuy nhiên do giá vốn thấp nên NIM (biên lãi ròng) vẫn cao. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi thị trường thời gian qua do tuân thủ quy định.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của VIB có nhích lên từ mức 2,2% vào cuối năm 2023 lên khoảng 2,4% vào cuối quý I vừa qua, song theo VIB, 95% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo là bất động sản. Tỷ lệ nợ xấu cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại VIB đến thời điểm này đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,4% trên tổng dư nợ, nhưng năm 2023, Ngân hàng đã mạnh tay trích dự phòng hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó dùng 3.600 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Thị trường bất động sản ấm lên và từ đầu năm đến nay, VIB đã thu hồi được 200 tỷ đồng nợ xấu và khả năng năm nay sẽ có 1.000 - 1.500 tỷ đồng dự phòng được hoàn nhập lợi nhuận.

Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cũng tự tin, với kết quả lợi nhuận quý I khả quan, lộ trình đạt được 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay vẫn đang theo đúng hướng. Tăng trưởng tín dụng có thể vượt qua mức kế hoạch 14% nhưng vẫn theo sát mức do Ngân hàng Nhà nước cấp. ACB tiếp tục tăng trưởng CASA để thuộc Top 5 thị trường. Nguồn thu từ kinh doanh bảo hiểm khó tránh sụt giảm, song hiện nguồn thu này của ACB vẫn khá tích cực. Nợ xấu ACB tăng nhẹ trong quý I, tuy nhiên mức độ tăng đã giảm dần và đang sát vùng đỉnh.

“Chúng tôi có thể kiểm soát được ở mức 1,2 - 1,3%”, ông Phát khẳng định.

Phát biểu tại đại hội cổ đông ngày 19/3 vừa qua, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc NamA Bank cũng cho hay, năm 2023, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, nhà băng này vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Với mục tiêu lợi nhuận đại hội cổ đông giao 4.000 tỷ đồng trước thuế năm nay, theo ông Tâm, Ngân hàng có cơ sở để hoàn tất.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.885 tỷ đồng đưa ra trong năm nay cũng có áp lực nhất định trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, song “trong thách thức, khó khăn luôn có cơ hội và với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ bên cạnh bán buôn, OCB có cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu khi tín dụng dần trở lại”.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, ông Lưu Trung Thái, cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến nhưng sẽ dần tăng trở lại và đây là điều kiện rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% (tương đương khoảng 28.800 tỷ đồng trước thuế). Trong đó, động lực lớn nhất là bán lẻ, MB đang có điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu này như số lượng khách hàng tăng nhanh. Dư nợ bán lẻ (khách hàng SME, cá nhân…) hiện chiếm khoảng 51% tổng dư nợ của MB và tốc độ tăng trưởng khách hàng, tín dụng ở mảng này đang rất tốt. Mảng bán lẻ cũng đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận MB năm qua.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được đưa ra cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2024 chưa được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước. Tuy vậy, 70,9 - 72,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý II và cả năm 2024. Cụ thể, 57,3% tổ chức tín dụng cho rằng lợi nhuận trước thuế quý II tăng trưởng so với quý I; 30,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 11,8% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm.

Trong năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn