Ngân hàng cấp tập tăng vốn điều lệ
VPBank đang là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, với 79.300 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh |
Trả cổ tức bằng cổ phiếu
Việc chia cổ tức và mục tiêu lợi nhuận tiếp tục là chủ đề được các cổ đông quan tâm. Quyết định chia cổ tức luôn là một thách thức lớn tại các kỳ đại hội đồng cổ đông, khi các ngân hàng phải cân bằng giữa việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để phát triển bền vững và đáp ứng lợi ích của cổ đông.
Nhiều ngân hàng cho biết, họ hoàn thành kế hoạch tiếp tục tăng vốn năm nay.
Ngân hàng ACB vừa có báo cáo về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, Ngân hàng đã phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15% (bên cạnh chi cổ tức 10% bằng tiền mặt). Sau đợt phát hành, số cổ phiếu đang lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ lên 4,447 tỷ cổ phiếu. Dự kiến, cổ phiếu được chuyển giao trước ngày 30/6.
Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB.
Đầu tháng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho Nam A Bank tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ đã được các cổ đông ngân hàng này đồng thuận thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Theo đó, Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng.
Cụ thể, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Đồng thời, phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP, giúp vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng.
Trong khi đó, TPBank có kế hoạch phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Việc phát hành dựa vào khuyến khích của NHNN, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, mở rộng quy mô hoạt động... Với việc phát hành này, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 4.400 tỷ đồng, lên tối đa 26.419 tỷ đồng.
MB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, song song với việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến quý II/2025.
Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng lên 61.643 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023.
Tăng vốn “khủng”
Không chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số nhà băng còn mạnh tay thưởng cổ phiếu cho cổ đông, nhằm tăng mạnh vốn.
Cụ thể, ngày 6/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố quyết định chấp thuận cho Techcombank tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Tỷ lệ phát hành là 100%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Phương án phát hành dự kiến theo phương thức thực hiện quyền. Đối tượng phát hành là tất cả cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu từ việc tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, sau khi tăng vốn lần này, Techcombank trở thành ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2, đánh dấu bước chuyển mình vượt trội trên thị trường.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Hiện VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, với 79.300 tỷ đồng.
Mới đây, Vietcombank trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022. HĐQT Vietcombank đã phê duyệt phương án này với kế hoạch dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này cần được trình lên NHNN để xin ý kiến.
Trước đó, trong năm 2023, Vietcombank đã phát hành 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, bằng nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Nếu được tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ lên hơn 77.500 tỷ đồng.
Tương tự, VietinBank cũng đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng hồi đầu năm nay, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình tiếp tục kiến nghị tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.
VietinBank đã được NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... và đặc biệt là cải thiện hệ CAR.
Dự báo, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng, kể cả việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN (về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn) được gia hạn đến hết năm nay. Vốn điều lệ, vì thế, đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng nhằm đối phó với thách thức, biến động trong môi trường kinh tế chưa ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Xem thêm tại baodautu.vn