Ngân hàng cung ứng vốn cho mùa cao điểm kinh doanh
Vốn rẻ chờ doanh nghiệp
Cuối năm là mùa cao điểm kinh doanh nên nhu cầu vốn chủ yếu là vốn lưu động để thanh toán nguồn nguyên liệu, nhập hàng hóa về phân phối, bán lẻ của các DN thường tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu này, các ngân hàng đang đẩy mạnh cung ứng vốn ra nền kinh tế.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện bình quân 80% công việc của các ngân hàng đã được xử lý trên môi trường số; 66% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đặc biệt, Quyết định 810/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngành hàng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường số. |
Chỉ trong nửa cuối tháng 10, tại TPHCM đã diễn ra 4 hội nghị kết nối ngân hàng – DN với các gói tín dụng lãi suất thấp được triển khai tới cộng đồng DN. Trong đó, Ngân hàng ACB triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm và lãi suất cho vay trung dài hạn từ 6,4%/năm. Ngân hàng Vietcombank cũng ký kết gói tín dụng hơn 6.200 tỷ đồng với 20 khách hàng DN. Hệ thống Agribank trên địa bàn TPHCM cũng ký kết cho vay 993,4 tỷ đồng cho 1.347 khách hàng…
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, bên cạnh việc cung ứng nguồn vốn giá rẻ, ACB còn triển khai nhiều giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như cho vay tín chấp; cho vay theo dòng tiền; các giải pháp tín dụng xanh để DN đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho DN. Điển hình như gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng dành cho các DN trong lĩnh vực nông thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu. Ngoài ra, Agribank còn có gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 3,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 3 tháng cho DN quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông - lâm - thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...; gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, với lãi suất giảm từ 0,5% đến 1,5% cho những khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.
Ông Ngọc cũng cho biết, hoạt động kinh doanh của Agribank đang có nhiều thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng khách hàng DN lên 35% và 65% khách hàng cá nhân để đưa vốn đến sản xuất kinh doanh nhanh hơn.
Bên cạnh nguồn vốn dồi dào, lãi suất thấp, các ngân hàng cũng rút ngắn quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ các khoản vay. Điển hình như VPBank theo dõi đơn hàng của các chủ shop kinh doanh online để cấp tín dụng dựa trên doanh số bán hàng. HDBank cho biết chỉ cần có một tờ lệnh nhập hàng của một chuỗi bán lẻ ngân hàng ngay lập tức cấp tín dụng cho một đơn vị sản xuất hàng hóa như nông sản, thủy sản. Một số ngân hàng còn quản lý dòng tiền thông qua ứng dụng ngân hàng số để làm căn cứ cấp tín dụng.
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong năm 2024, chương trình kết nối ngân hàng – DN trên địa bàn TPHCM có 17 tổ chức tín dụng đăng ký với quy mô 509.864 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2024, doanh số giải ngân đã đạt 548.337 tỷ đồng, bằng 107,5% quy mô cam kết hồi đầu năm.
Là một trong những DN đã tham gia chương trình kết nối ngân hàng – DN, bà Võ Thị Bích Hạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) cho biết, từ dây chuyền sản xuất trị giá ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, sau khi được vay vốn từ chương trình kết nối ngân hàng – DN, đến nay cơ sở đã nâng cấp quy mô, đầu tư hệ thống sản xuất bánh tráng trị giá lên đến 8 tỷ đồng với công suất khoảng 6 tấn/ngày. Mới đây, cơ sở bánh tráng Thành Danh còn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh tráng với hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời trị giá 11 tỷ đồng, công suất bình quân đạt 9 tấn/ngày. Dây chuyền mới đầu tư đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ cao cấp.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, cơ chế chính sách của NHNN hiện nay đã và đang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó chính sách tiền tệ tín dụng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các DN, các nhóm ngành lĩnh vực phát triển, đặc biệt là những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của đất nước.
Nổi bật là lĩnh vực xuất khẩu, lãi suất cho vay hiện nay không quá 4%/năm đã tạo điều kiện cho DN mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng. Riêng trên địa bàn TPHCM, tổng dư nợ tín dụng cho vay bằng VND đối với DN xuất khẩu đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực trên địa bàn.
Chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN cũng đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho DN xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm. Theo đó, DN thuộc lĩnh vực này có nhiều lựa chọn cho nhu cầu vốn; nhu cầu ngoại tệ để thanh toán (mua ngoại tệ hoặc vay ngoại tệ) nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu thanh toán. Đến nay, trên địa bàn TPHCM, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ quy đổi VND đạt 130,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu về dịch vụ cho DN trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác có liên quan rất tiện ích, tiện lợi, an toàn và hiệu quả. “Quan hệ giữa DN xuất khẩu với các tổ chức tín dụng là quan hệ truyền thống, sản phẩm đa dạng và chuyên nghiệp mang lại hiệu quả cho DN để mở rộng và tăng trưởng cũng như thuận lợi trong quá trình phát triển thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội DN TP Thủ Đức cũng thông tin, hiện các DN chỉ cần có đơn hàng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt là có thể được vay vốn. Việc xét duyệt các điều kiện vay vốn cũng đơn giản, thuận tiện hơn. Do đó, hiện các DN sẽ có sự lựa chọn để vay vốn tại ngân hàng nào có lãi suất thấp hơn.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn