Ngân hàng đã đạt hơn 80% room tín dụng được dự báo lợi nhuận ra sao trong năm 2024?

Lợi nhuận ước tăng hơn 11%

Là một trong số những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2024 bất chấp bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế,Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trong những tháng cuối năm.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính mức room tín dụng mới của ACB là 18,5%, tăng 2,5% so với ngưỡng 16% được cấp từ đầu năm. Các chuyên viên phân tích đánh giá với chiến lược ưu tiên tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, ACB sẽ hoàn thành tổng hạn mức được cấp trong năm nay.

Các chuyên gia phân tích cho rằngviệc được cấp thêm room tín dụng là yếu tố hỗ trợ lớn cho dự phóng kết quả kinh doanh của ACB. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 22.361 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 11,4% so với năm trước.

Cụ thể, KBSV dự báo thu nhập lãi thuần năm 2024 của ACB ở mức 29.823 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ nhờ việc mới được nới thêm room. Trong khi đó, thu ngoài lãi kỳ vọng giảm 19,2% xuống 6.293 tỷ dồng do mảng chứng khoán đầu tư, chứng khoán kinh doanh không còn cơ hội lớn. 

ACB đã thực hiện khoảng 80% hạn mức tăng trưởng tính đến cuối quý II. (Ảnh: KBSV). 

Theo KBSV, phân khúc bán lẻ (chiếm 65% danh mục) có sức hồi phục tốt hơn khi đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong quý II. Do đó, trong nửa sau của năm 2024, những phân khúc cho vay hộ kinh doanh, cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng cá nhân đều sẽ duy trì đã hồi phục tốt hơn, gắn với xu hướng chung của nền kinh tế và thị trường BĐS. 

Nhóm khách hàng doanh nghiệp (KHDN) được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng trong nửa đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong hai quý đầu của phân khúc này tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng. 

Danh mục cho vay vẫn giữ khẩu vị rủi ro tương đối an toàn khi dư nợ cho vay phát triển BĐS thấp so với các ngân hàng khác, chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 4% danh mục, KBSV nhận định. 

(Ảnh: KBSV).

KBSV thông tin thêm rằng trong thời gian tới ACB đang có kế hoạch thu xếp vốn với các dự án BĐS khu công nghiệp (KCN) và vẫn sẽ giữ quan điểm khi chỉ cho vay các doanh nghiệp lớn đầu ngành. 

Với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SFLR) tương đối thấp (17%) so với mức trần 30% của NHNN, các chuyên viên phân tích cho rằng ngân hàng sẽ còn nhiều dư địa để tái cơ cấu danh mục cho các kỳ hạn vay dài hơn.

NIM phục hồi khi kết thúc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng

KBSV cho biết lợi suất trên tài sản sinh lời (IEA) theo quý bắt đầu giảm chậm hơn quý trước, đến từ việc tín dụng tại ACB được phân bổ đều trong các tháng, thay vì tập trung vào cuối quý như một số ngân hàng khác. 

Trong khi đó, chi phí vốn (COF) vẫn đang phản ánh khoản tiền gửi với lãi suất thấp. Do vậy, các chuyên viên phân tích giữ dự phóng NIM của ngân hàng ở mức 3,96% nhờ IEA cải thiện tốt và COF duy trì.

NIM của ACB được dự báo sẽ lên mức 3,96% trong cả năm 2024. (Ảnh: KBSV).

Cụ thể hơn, IEA sẽ đi lên trong nửa cuối 2024 và năm 2025 nhờ việc kết thúc các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, lãi suất cho vay tăng dần trở lại như đã đề cập trong báo cáo trước. 

COF được kỳ vọng ở mức thấp khi lãi suất huy động mới chỉ tăng 10-2 0bps cho kỳ hạn 6-12 tháng. Hiện áp lực lãi suất huy động đã giảm trong bối cảnh tỷ giá ổn định hơn, trong khi định hướng của NHNN vẫn duy trì chính sách nới lỏng. 

Đồng thời, ACB vẫn cân đối được các nguồn huy động đến từ phát thành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và hiện vẫn duy trì vị thế cho vay trên thị trường liên ngân hàng, giúp giảm bớt áp lực huy động trên thị trường 1, KBSV nhận xét.

Bao phủ nợ xấu giảm không phải là vấn đề lớn

Tỷ lệ nợ xấu của ACB đã nhích nhẹ lên 1,5%, trong đó tác động từ CIC (nợ xấu của khách hàng tại ngân hàng khác) giảm xuống 7-8% trên tổng nợ xấu (quý trước là 10%). 

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm nhẹ từ 78% trong quý I xuống mức 76% trong quý II, chủ yếu do tốc độ gia tăng nợ xấu tăng nhanh hơn trích lập. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ giảm còn do khách hàng tất toán các khoản nợ cơ cấu do COVID nên phần trích lập trước đó ngân hàng đã hoàn nhập các khoản này khiến bộ đệm giảm, KBSV thông tin. 

Do tài sản đảm bảo của ACB tương đối lớn nên việc tỷ lệ bao phủ thấp hơn giai đoạn trước chưa phải là vấn đề lên chất lượng tài sản, dù áp lực trích lập trong nửa cuối năm 2024 sẽ vẫn còn, các chuyên viên nhận định.

KBSV đánh giá chất lượng tài sản ACB có sự suy giảm nhẹ, song đã có những tín hiệu tích cực hơn khi nợ xấu mới hình thành tăng chậm lại, tác động CIC suy yếu dần.

(Ảnh: KBSV).

Xem thêm tại vietnambiz.vn