Ngân hàng đang giúp cổ đông ‘đẻ ra tiền’ như thế nào?

Trong bối cảnh thị trường tài chính biến động, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến việc tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn và mang lại hiệu quả cao. Trong đó, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là một trong những lựa chọn hàng đầu, được thể hiện rõ qua thanh khoản cao của nhóm ngành trên thị trường.

Đặc biệt, khi nền kinh tế khó khăn đặt các nhà băng vào thế phải “vượt bão” như những năm gần đây, các ngân hàng duy trì được ROE cao trở thành điểm sáng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là một chỉ số quan trọng phản ánh hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng. Chỉ số ROE cao cho thấy ngân hàng có thể tạo ra lợi nhuận tốt so với số vốn chủ sở hữu, đồng nghĩa với việc vận hành và quản lý hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.

Hiệu quả kinh doanh tốt tạo nên “trái ngọt” cho nhà đầu tư

Năm 2023, các ngân hàng phải đua nhau giải bài toán tăng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi cầu tín dụng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khúc mắc trong sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ đó, năm 2023 là năm khó khăn cho tất cả các ngân hàng. Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2024, VPBankS cho biết, ROE toàn ngành đang có xu hướng giảm từ 19,8% xuống 15,9%.

Hiện có 5 ngân hàng duy trì tỷ lệ ROE trên 20% bao gồm: ACB (24,8%), VIB (24,3%), HDBank (24,2%), MBBank (23,9%), Vietcombank (21,7%). Tuy nhiên, trong số 5 ngân hàng đứng đầu này, ngân hàng duy nhất ghi nhận ROE tăng trưởng là HDBank.

Rộng hơn, HDBank đã duy trì tỷ lệ ROE trên 20% trong vòng 6 năm qua, từ năm 2018. Đặc biệt, quý I/2024, ROE của HDBank chạm mốc 26,7% - con số cao nhất từ trước đến nay và vươn lên dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.

Việc duy trì tỷ lệ ROE cao và tăng trưởng đã thể hiện khả năng, hiệu quả kinh doanh tốt của các ngân hàng trong năm 2023. ROE cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu để các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tiềm năng và chờ hái quả ngọt.

Năm 2023, HDB trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh thứ 3 trong tất cả các ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, với tỷ lệ tăng đến 54,3% - thành quả không thể “ngọt” hơn cho những cổ đông kỳ cựu của ngân hàng. Tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn, HDB lọt TOP 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong năm 2023 theo số liệu của SSI Research.

Duy trì tỷ lệ ROE cao, ACB cũng là một trong số những cổ phiếu ngân hàng khiến cổ đông “hái ra tiền” khi tăng khoảng 26% trong năm 2023. VIB cũng tạo niềm vui cho cổ đông khi cổ phiếu tăng xấp xỉ 26,4% trong năm vừa qua.

Duy trì lợi nhuận tăng trưởng để “chia phần” cho cổ đông cũng là cách các ngân hàng tri ân với những nhà đầu tư đồng hành cùng mình. Bên cạnh giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả hoạt động tốt giúp ngân hàng duy trì trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao.

Mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 đã đi qua nhưng dư âm vẫn còn đó, đặc biệt cổ đông HDBank được nhân đôi, nhân ba niềm vui khi nhận tin cổ tức được nhận đã cao, giờ lại còn cao hơn nữa.

Theo đó, Ngân hàng đã thông qua Nghị quyết về việc chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 30% thay vì mức 25% như kế hoạch ban đầu, trong đó trả 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu - thuộc nhóm chia cổ tức cao nhất trong ngành. Ngân hàng cũng hé lộ kế hoạch cổ tức năm 2024 (thực hiện trong năm 2025) dự kiến tiếp tục ở mức 30%, trong đó cổ tức tiền mặt tối đa lên đến 15%.

Ngân hàng trả cổ tức cao thứ 2, ngay sau HDBank là VIB với tỷ lệ 29,5%, trong đó 12,5% bằng tiền và 17% bằng cổ phiếu. ACB trả cổ tức tổng tỷ lệ 25% trong đó 10% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu.

Có thể thấy, những ngân hàng trả cổ tức cao, cũng là những ngân hàng có tỷ lệ ROE cao trong ngành. Các nhà băng duy trì hiệu quả kinh doanh tốt cũng đang giúp cổ đông kiếm tiền từ nhiều kênh khác nhau. Việc nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng này không chỉ giúp nhà đầu tư gia tăng giá trị cổ phiếu, mà còn có thể hưởng lợi từ các khoản cổ tức ổn định và hấp dẫn, tạo được sự an tâm và niềm tin về triển vọng dài hạn của các cổ đông.

Nhà đầu tư mong đợi gì cho nửa cuối năm 2024?

Lực đẩy lớn giúp ngân hàng đạt hiệu quả kinh doanh tốt đến từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Báo cáo ghi nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, ước đạt 6,93% so với cùng kỳ. Đây là tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2020-2024, chỉ thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý II/2022 là 7,99%.

Bên cạnh đó, báo cáo từ S&P Global cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Manufacturing Purchasing Managers’ Index - PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 tăng mạnh, đạt 54,7 điểm so với mức 50,3 điểm tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đang ổn định và cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp. Số lượng đơn hàng tăng cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động lên. Đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành ngân hàng.

Trên thực tế, mặc dù chu kỳ kinh tế có tác động lớn đến kết quả kinh doanh, nhưng có những ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng cao và liên tục trong suốt nhiều năm.

Trong đó, HDBank nổi bật là ngân hàng có hơn một thập kỷ tăng trưởng cao và bền vững. Từ sau năm 2013 với dấu mốc mua lại Công ty tài chính Societe Generale Viet Finance và sáp nhập ngân hàng Đại Á HDBank tiếp tục khẳng định khả năng hoạt động bằng lối đi của riêng mình.

Lựa chọn mô hình ngân hàng bán lẻ, tập trung vào tệp khách hàng “đại dương xanh” khi chưa có nhiều cạnh tranh như khu vực đô thị, là nhóm khách hàng nông thôn và đô thị loại II, sau nhiều năm kiên định và nỗ lực, HDBank đã ghi tên mình là một trong những định chế tài chính lớn tại Việt Nam.

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng vượt 13.000 tỷ đồng, thuộc nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất. Sang năm 2024, HDBank lên kế hoạch lãi trước thuế đạt 15.852 tỷ đồng, tăng 22%, nối dài 12 năm tăng trưởng liên tục. Theo đó, tỷ lệ ROE mục tiêu đạt 24,6%, cải thiện 2% so với thực hiện năm 2023.

Kỳ vọng vào nửa cuối năm 2024, nhiều chuyên gia ưu ái các ngân hàng ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao đi kèm với chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với ngành.

P/B của nhóm các ngân hàng niêm yết trên HoSE đang được giao dịch ở mức thấp, khoảng 1,55 lần do lo ngại về nhu cầu tín dụng yếu, biến động lãi suất không thuận lợi. Chuyên gia Shinhan Securities kỳ vọng định giá sẽ được cải thiện dần, tiến về mức trung bình trong giai đoạn 2024-2025 khi chất lượng tài sản được cải thiện.

Với nhận định đó, các công ty chứng khoán vẫn chung nhận định, cổ phiếu ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, nhiều khuyến nghị tích cực với nhóm cổ phiếu “vua” được đưa ra.

Các công ty chứng khoán cùng chung nhận định cổ phiếu HDB vẫn còn dư địa tăng giá lớn. Theo đó, Chứng khoán Shinhan đưa ra giá mục tiêu cho năm 2024 là 28.900 đồng/cp với kỳ vọng tăng giá lớn nhất trong số mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị. Cũng đồng thuận với quan điểm trên, Chứng khoán Yuanta duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HDB, với giá mục tiêu 12 tháng là 29.450 đồng/cp.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ACB được Chứng khoán Shinhan kỳ vọng đạt giá mục tiêu 30.350 đồng, Chứng khoán Rồng Việt đưa ra mức giá 27.400 đồng/cp. Trong khi đó, VIB được Chứng khoán KBSV khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 28.800 đồng/cp.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn