Ngân hàng 'đau đầu' vì khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu

Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận tăng và có tới 2/3 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.

Bán nợ chục lần vẫn ế

Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ dù đã giảm giá xuống rất thấp so với giá trị khoản vay; tài sản được rao bán hàng chục lần vẫn ế.

Vừa qua, BIDV Bình Tân thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM với mức giá từ vài tỷ đồng.

Trong đó, BIDV cho biết có 2 lô đất tại TP.HCM đã được rao bán trước đó 11 lần nhưng vẫn chưa có người mua.

-4046-1717493387.jpg

BIDV đang rao bán hàng loạt tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Cụ thể, tài sản thứ nhất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 489, tờ bản đồ số 23 tại địa chỉ xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Lô đất này có diện tích hơn 1446m2. Đây là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh làm trụ sở văn phòng. Giá khởi điểm gần 11 tỷ đồng.

Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 490, tờ bản đồ số 23 tại địa chỉ xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Lô đất này có diện tích 300m2. Mục đích sử dụng đất là đất ở tại nông thôn, thời hạn sở hữu lâu dài. Tài sản được bán nguyên trạng theo thực tế và bán chung không tách rời 2 tài sản. Giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BIDV Bình Tân cũng đang tồn đọng nhiều tài sản bảo đảm là nợ xấu đã được rao bán nhiều lần nhưng chưa “thoát hàng” như lô đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã rao bán 9 lần; 1 lô đất tại Đồng Nai được rao bán 11 lần…

Agibank chi nhánh Sài Gòn cũng đang rao bán đấu giá khu du lịch nghỉ mát Việt Nga, tại Bến Đầm, Côn Đảo để xử lý khoản nợ hơn 370 tỷ đồng.

Agribank chi nhánh TP Đà Nẵng vừa thông báo bán đấu giá hàng loạt lô đất tại Đà Nẵng có giá khởi điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.

Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc các ngân hàng phải liên tục rao bán hàng chục tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng vẫn khó thanh khoản. Việc giảm giá thêm ở các lần đấu giá tiếp theo cũng chưa thấy cửa sáng khi thị trường địa ốc nhìn chung vẫn giao dịch trầm lắng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80-90% và lớn hơn nhiều lần dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ.

Thông tư 02 có thể giúp nợ xấu thấp hơn thực tế

Kết thúc quý I, nợ xấu tại các ngân hàng tăng mạnh, chất lượng tín dụng đi xuống. Theo thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, 26/28 nhà băng có số dư nợ xấu tăng.

Hai ngân hàng có chất lượng nợ vay cải thiện là VPBank giảm gần 1% nợ xấu và SHB giảm 0,1%. Ngược lại, ngân hàng có số tăng nhiều nhất là MB tăng 5.489 tỷ đồng, tăng 56% so với cuối năm 2023 và BIDV tăng 4.632 tỷ đồng, tăng 20,7%.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể nói là đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Lý giải lý do chỉ kéo dài thêm 6 tháng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa 2 vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Như vậy, trong năm 2024, các khách hàng vay của ngân hàng đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về việc gia hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) không được thể hiện một cách chính xác, vì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng có quan điểm lo ngại khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Khi đó, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và ngân hàng. Một số ngân hàng đủ khả năng có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, thấp hơn trung bình ngành. Mặc dù vậy, nợ nhóm 2 trở lên có thể chịu áp lực tăng, nếu khách hàng có khoản vay ở ngân hàng khác bị chuyển nhóm nợ thì cũng sẽ chuyển nhóm nợ tại ngân hàng khác.

Theo nhận định của Côngty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), từ quý II/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Trong khi đó, tỷ lệ LLR - dự phòng bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, thực tế khi nợ xấu liên tục tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lại có xu hướng giảm. Theo tổng hợp từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I, số dư dự phòng rủi ro đạt 194.939 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn đỉnh vào cuối quý III/2023.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn