Ngân hàng đẩy mạnh thanh lý tài sản khi nợ xấu tăng

Ngân hàng đẩy mạnh thanh lý tài sản khi nợ xấu tăng

Ngân hàng cấp tập rao bán tài sản thế chấp

Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn vừa thông báo đấu giá 6 khoản nợ của 6 khách hàng, với tài sản đảm bảo là các căn hộ chung cư thuộc dự án Cherry Apartment tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Khoản nợ đầu tiên là của bà Vũ Thị Liên, với giá trị ghi sổ đến cuối tháng 5/2024 gần 9 tỷ đồng, trong đó nợ lãi chiếm gần 3 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là một căn hộ có diện tích sàn gần 141 m². Giá khởi điểm của khoản nợ này là 5,9 tỷ đồng. Khoản nợ thứ hai của bà Phạm Thị Huyền, có giá trị ghi sổ gần 3,4 tỷ đồng, trong đó nợ lãi hơn 1,3 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là căn hộ có diện tích sàn 116,1 m². Giá khởi điểm của khoản nợ này là 2 tỷ đồng.

Khoản nợ thứ ba của bà Nguyễn Thị Thùy An, với giá trị ghi sổ 3,1 tỷ đồng, trong đó nợ lãi hơn 1,1 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là một căn hộ có diện tích sàn 140,6 m². Giá khởi điểm của khoản nợ này gần 2,2 tỷ đồng. Khoản nợ thứ tư của bà Mai Thị Hồng Thịnh, với giá trị ghi sổ hơn 3,7 tỷ đồng, trong đó nợ lãi hơn 1,4 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là một căn hộ có diện tích sàn 140,6 m². Giá khởi điểm của khoản nợ này gần 2,4 tỷ đồng.

Khoản nợ thứ năm của ông Lê Văn Sơn, với giá trị ghi sổ hơn 3,9 tỷ đồng, trong đó nợ lãi gần 1,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là căn hộ có diện tích sàn 140,6 m² (ngân hàng chỉ có bản photo hợp đồng mua bán căn hộ, không có bản chính). Giá khởi điểm của khoản nợ này gần 2,5 tỷ đồng. Khoản nợ thứ sáu của bà Bùi Thị Hồng Gấm, có giá trị ghi sổ gần 2,8 tỷ đồng, trong đó nợ lãi hơn 1,1 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là căn hộ có diện tích sàn 140,6 m². Hợp đồng mua bán căn hộ được ký vào tháng 7/2013 giữa Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Tâm và bà Bùi Thị Hồng Gấm. Giá khởi điểm của khoản nợ này là 2,1 tỷ đồng.

Trước đó, Agribank rao bán loạt khoản nợ xấu hàng trăm tỷ, hạ giá khoản nợ của chủ dự án Bến du thuyền Hoàng Gia. Đây là lần đấu giá thứ 11 Agribank rao bán khoản nợ của Marina Hotel, giá khởi điểm lần này tiếp tục giảm gần trăm tỷ so với lần rao bán trước đó. Giá khởi điểm lần này là 948,2 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với lần rao bán trước đó. Hồi tháng 10 năm ngoái, giá khởi điểm cho khoản nợ được đưa ra là gần 1.031 tỷ đồng.

Agribank Chi nhánh An Phú cũng thông báo bán đấu giá đồng thời hai khoản nợ của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy, giá trị tạm tính đến ngày 31/3/2024 là 360,9 tỷ đồng, trong đó khoản nợ gốc 250,5 tỷ đồng, nợ lãi 110,4 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam là 164,3 tỷ đồng và của CTCP Đầu tư Khang Duy là 160,4 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế VAT, tổng giá khởi điểm của hai khoản nợ này là gần 325 tỷ đồng.

Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Cầu Group vừa thông báo về việc tiếp tục bán đấu giá tài sản theo yêu cầu của Sacombank, với giá khởi điểm hơn 508 tỷ đồng. Theo đó, tài sản bán đấu giá là lô đất có diện tích 11.221 m2 để sản xuất - kinh doanh, thời hạn sử dụng lâu dài. Tài sản gắn liền với đất gồm công trình có 3 tầng và sân thượng, diện tích xây dựng 5.644 m2 diện tích sử dụng 6.413 m2… Phiên đấu giá tài sản dự kiến diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 30/8, tại Hội sở Sacombank.

Trước đó, Sacombank cũng đã bán đấu giá Dự án Xi Grand Court tại địa chỉ số 256 - 258 Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM, các tài sản của Công ty Địa ốc Vạn Phát, Công ty Kim Hoàn Mỹ, Công ty TNHH Cơ khí Đúc Ki Hu, Công ty cổ phần Thực phẩm Song Long, Công ty Cổ phần H.N.H. Sacombank cho biết, đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong nửa đầu năm, song tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,15%. Vietcap dự báo Sacombank sẽ ghi nhận 2.000 tỷ đồng từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú trong nửa cuối năm. Theo đó, Vietcap nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận của Công ty cho Sacombank, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Theo kỳ vọng của Vietcap, mức thu nhập cao hơn từ thu hồi nợ xấu đã xử lý trong nửa cuối năm 2024 sẽ giúp cho CIR 2024 của Sacombank giảm. Chất lượng tài sản quý II/2024 của Sacombank giảm so với cùng kỳ quý trước với tỷ lệ nợ xấu đạt 2,43% (+64 điểm cơ bản) và cho vay Nhóm 5 ghi nhận mức tăng 33,9% so quý trước. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ nợ Nhóm 2 của Sacombank đã giảm 15 điểm cơ bản.

Cũng theo Vietcap, Sacombank đã gần như không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phần nào giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong kỳ. Trong quý II/2024, chi phí dự phòng rủi ro Sacombank đã giảm 64,6%, xuống 465 tỷ đồng. Lũy kế, chi phí dự phòng nửa đầu năm nay giảm 50,7% xuống 1.143 tỷ đồng…

Mới đây Sacombank thông báo đấu giá các khoản nợ của CTCP Thuỷ Hải Sản Sài Gòn (APT) với mức giá khởi điểm hơn 846 tỷ đồng, chưa bằng một nửa tổng nghĩa vụ nợ. Khoản nợ bao gồm hai hợp đồng tín dụng và các phụ lục hợp đồng tín dụng. Trong đó nợ gốc 529,9 tỷ đồng, lãi trong hạn là 823,2 tỷ đồng, lãi quá hạn là 415,3 tỷ đồng tính đến thời điểm 8/1/2024.

Tương tự, BIDV đấu giá khoản nợ thế chấp bằng Dự án Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Đức Giang. Khoản nợ của CTCP Hằng Hà được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản hình thành từ “Dự án Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Đức Giang” với mức đầu tư gần 464 tỷ đồng. Tài sản thế chấp này không giới hạn quyền sử dụng đất và toàn bộ các tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị có liên quan.

Nợ xấu vẫn tăng

Mặc dù các ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ, song nợ xấu tiếp tục xu hướng tăng. Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính bán niên của 29 ngân hàng cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nợ xấu tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024, hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì mức 6,9%.

Xét về số tuyệt đối, VDSC ước tính nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023 tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

Trong khi nợ xấu có xu hướng gia tăng, thì thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 14,2 điểm phần trăm, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Theo số liệu thống kê, có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 6 tháng qua.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn