Ngân hàng dè dặt đặt chỉ tiêu lợi nhuận

Cẩn trọng khi tín dụng khó tăng

Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8% so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12%; trong đó, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng, nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).

Thế nhưng, theo lãnh đạo Vietcombank, đến hết tháng 1/2024, dư nợ tín dụng đạt 1.240.000 tỷ đồng; trong đó, tín dụng bán buôn giảm khoảng 19.000 tỷ đồng, tín dụng bán lẻ giảm hơn 11.000 tỷ đồng, dù cho lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với trước.

Vietinbank mới đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh như tổng tài sản tăng từ 5 - 10%; tín dụng tăng theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, khoảng hơn 14%; huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng bảo đảm các chỉ số an toàn về thanh khoản; tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%. Còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn chưa được ngân hàng này hé lộ.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietinbank cho biết, tín dụng tăng chậm trong tháng đầu năm là do bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức mua chậm, thị trường bất động sản trầm lắng.

Mặc dù đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất trên 27.400 tỷ đồng trong năm 2023 (lần lượt tăng 18,6% và 18,8% so với năm trước đó), song bước sang năm 2024, BIDV mới đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%... BIDV vẫn đang bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận. Kết thúc tháng 1/2024, dư nợ tín dụng của BIDV giảm 1,25% so với cuối năm trước.

Trong khi đó, MB cho biết, ba mục tiêu lớn của Ngân hàng trong năm nay là lợi nhuận trước thuế 30.000 tỷ đồng, sở hữu 30 triệu khách hàng và thuộc Top 3 chất lượng hiệu quả. Đồng thời, MB phấn đấu doanh thu tăng 20%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%… Năm 2023, lợi nhuận hợp nhất của MB đạt hơn 26.000 tỷ đồng.

Với Eximbank, năm 2023, Ngân hàng báo lãi trước thuế 2.720 tỷ đồng, thực hiện được 55% chỉ tiêu đề ra. Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,8%.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh. Do đó, các nhà băng vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch năm 2024.

… và rủi ro nợ xấu

Hiện một số ngân hàng như ACB, ABBank, MB, LPBank, VIB… đã chốt lịch đại hội cổ đông thường niên năm 2024 để thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Tuy vậy, trong nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân, ngoại trừ MB, các ngân hàng còn lại chưa tiết lộ chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể dự kiến trình cổ đông.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá, nợ xấu vẫn là mối lo của ngành ngân hàng, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, ngân hàng cũng phải dự phòng lớn.

Dữ liệu của Wigroup cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Các ngân hàng không còn nhiều “của để dành” để trích lập dự phòng.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, con số nợ xấu nói trên chỉ mới là con số công bố và các ngân hàng cũng chưa xét tới việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024. Lúc đó, nhiều khả năng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng lên khi các khoản nợ bắt đầu “nhảy nhóm”, đòi hỏi ngân hàng tăng trích lập dự phòng và lợi nhuận bị “bào mòn”.

Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Mặt khác, các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó, không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hết hiệu lực và phần lớn các nội dung của nghị quyết này không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, Thông tư 02 hết hiệu lực vào giữa năm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các ngân hàng năm nay, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, là đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.

Trước đề xuất của các ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với chủ trương kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu sẽ cần có đánh giá kỹ hơn. Ông Tú cũng yêu cầu Vụ Tín dụng cùng Cơ quan Thanh tra, Vụ Pháp chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế này và ban hành ngay trong quý I.

TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn so với 2023, song khó có thể kỳ vọng đột biến. Lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ phân hóa mạnh, với những ngân hàng thuộc Top đầu, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng. Những ngân hàng nhỏ hơn, đòi hỏi tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu cũng sẽ có sự đi lên về lợi nhuận.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, lợi nhuận ngân hàng hiện đóng góp chủ yếu từ lãi thuần, nếu tín dụng năm nay cải thiện và tăng trưởng ở mức 15% thì lợi nhuận ngân hàng mới khả thi và ngược lại.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn