Ngân hàng đối diện những thách thức mới của năm 2024
Tăng trưởng khả quan hơn
Hiện nay, các ngân hàng đang dần hé lộ kết quả kinh doanh cả năm 2023. Trong đó, với nhóm “big 4” ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, dù bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn nhưng kết quả vẫn ghi nhận khả quan.
Vietcombank cho biết đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2023. Cụ thể, huy động vốn thị trường 1 (thị trường giữa doanh nghiệp và dân cư) đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ở mức 0,97%; dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11 là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng nợ xấu đạt mức 185%. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2023 tăng 10,2% so với năm 2022 và hoàn thành vượt kế hoạch.
Còn tại BIDV, kết quả kinh doanh sơ bộ được ngân hàng này công bố là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5%; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 16,66%... VietinBank và Agribank cũng đều ghi nhận lợi nhuận khả quan, hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Với các ngân hàng tư nhân, kết quả được hé lộ cũng khả quan. Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so với năm 2022, đạt 9.500 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra. Trong khi đó, lãnh đạo PVCombank cho biết, năm 2023, ngân hàng này ước hoàn thành 129% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế… Tuy vậy, cũng có ngân hàng không đạt mục tiêu đề ra. VIB dự báo lãi cả năm 2023 đạt 8.640 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2022, không đạt được mục tiêu. Nhiều ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước như: ABBank giảm 59,6%; Eximbank giảm 46,5%; VietABank giảm 25,7%...
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2024 do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý 1/2024 và cả năm 2024. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý 1/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024. Vì thế, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý 1/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.
Trong chỉ thị mới được ban hành, Thống đốc NHNN đã yêu cầu điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Cùng với đó là triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế…
Hỗ trợ để phát triển bền vững
Theo các chuyên gia năm 2024, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới. Đó là những vấn đề còn nhiều tồn tại, vướng mắc liên quan đến chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém cũng như các quy định mới về đảm bảo các chỉ số an toàn, tỷ lệ an toàn vốn…, đặc biệt là phải chuẩn bị đáp ứng theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua với hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, trừ một số điều khoản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Luật đã bổ sung quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ... nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu của mỗi ngân hàng trong nền kinh tế. Để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, Luật cũng điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới hạn tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình. Mặt khác, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu...), dự phòng rủi ro… cũng được bổ sung nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng nên mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì. Hơn nữa, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024 có thể làm lộ ra bức tranh nợ xấu và các ngân hàng phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.
Với những thách thức nêu trên, các ngân hàng kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn về pháp lý, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị cần kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước, thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng… để thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động; đồng thời kiến nghị cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn