Ngân hàng đồng loạt triển khai thông tin sinh trắc học: Bảo vệ nghiêm ngặt tài khoản khách hàng

Ngân hàng đồng loạt triển khai thông tin sinh trắc học: Bảo vệ nghiêm ngặt tài khoản khách hàng ảnh 1

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, bắt đầu từ ngày 1/7/2024, các giao dịch như chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền vào ví điện tử... trên 10 triệu đồng/lần; hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học. Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart OTP như thông thường. Ngoài ra, theo Điều 2 của Quyết định 2345, khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng điện tử (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Quyết định 2345 hướng tới mục tiêu việc giao dịch của khách hàng - nhất là các giao dịch lớn (từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày) đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện. Nỗi lo bỗng nhiên “bốc hơi” một số tiền lớn trong tài khoản mà người dùng không thao tác được giảm thiểu. Tuy nhiên, việc lấy mẫu khuôn mặt cũng có thể mang đến một chút khó khăn trong thao tác khi khách hàng phải sử dụng điện thoại của mình để đọc chip NFC trên căn cước công dân (CCCD). Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Bảo vệ khách hàng sớm nhất, tối đa nhất luôn là mục tiêu được chúng tôi đặt lên hàng đầu song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng ngày càng cao”.

Ngân hàng đồng loạt triển khai thông tin sinh trắc học: Bảo vệ nghiêm ngặt tài khoản khách hàng ảnh 2

Theo thông tin từ hàng loạt nhà băng trong hệ thống (Vietcombank, TPBank, Techcombank, ABBANK hay NCB), các ngân hàng đã và đang triển khai mạnh mẽ việc cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để bảo vệ an toàn tài khoản và đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Nhờ công nghệ đi trước, quy trình nhanh chóng được chuẩn hóa cùng hệ thống thu thập khuôn mặt của khách hàng tại mọi kênh giao dịch, TPBank là ngân hàng đầu tiên đã áp dụng 100% Quyết định 2345 (QĐ 2345) cho tất cả khách hàng từ ngày 20/6, trước ngày QĐ có hiệu lực tới hơn 10 ngày.

Để thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học, khách hàng cần thẻ CCCD gắn chip và điện thoại có kết nối NFC và đã cập nhật app ngân hàng lên phiên bản mới nhất (Lưu ý: Điện thoại di động cần sử dụng hệ điều hành iOS 13 và Android 7 trở lên). Các nhà băng cũng lưu ý để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo, khách hàng KHÔNG cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng khác. Ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật hoặc bất kỳ thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc qua đường link.

Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của NHNN về việc xác thực tài khoản, hiện các ngân hàng cũng chủ động thực hiện hạ tầng công nghệ mới. Đơn cử: VCB ra mắt giao diện ngân hàng số mới với phiên bản hiện đại cập nhật hơn cho từng đối tượng khách hàng; MB tích cực trong việc nâng cấp giao diện với nhiều tính năng tích hợp phong phú. ABBANK cũng hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các hệ thống cơ sở dữ liệu, bảo mật dữ liệu để tạo nền tảng quan trọng cho các kế hoạch chuyển đổi tiếp theo. Tại Techcombank, ngân hàng chính thức ra mắt công bố các tính năng sinh lời tự động và quản trị sản phẩm có ứng dụng cao từ trí tuệ nhận tạo AI được viết bởi chính đội ngũ công nghệ của Techcombank

Thao tác thực hiện cài đặt dễ dàng với 5 bước sau đây:

1. Tải/cập nhật ứng dụng, đăng nhập và chọn mục thông báo trên màn hình trang chủ;

2. Đồng ý cho phép sử dụng dữ liệu;

3. Chụp hình mặt trước và sau CCCD gắn chip (trong trường hợp ảnh chụp không đạt yêu cầu sẽ chuyển sang bước quét mã QR của CCCD);

4. Xác thực khuôn mặt theo hướng dẫn;

5. Hoàn tất đăng ký thông tin sinh trắc học.

Xem thêm tại tienphong.vn