Ngân hàng đứng trước áp lực thu hẹp NIM ngày càng lớn
Theo con số công bố từ kết quả kinh doanh quý III/2024 của các nhà băng, một trong những chỉ số quan trọng là NIM đang cho thấy sự sụt giảm. Ông có nhận định như thế nào về điều này?
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), NIM có xu hướng giảm trong quý III năm nay so với 2 quý đầu năm. Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2024, NIM đi ngang so với cùng kỳ năm 2023. Khảo sát của đơn vị này cho thấy có 12/24 ngân hàng ghi nhận NIM giảm trong 9 tháng qua. Thực trạng này là một điều không bất ngờ, phản ánh diễn biến thực tế của thị trường khi chi phí vốn tăng mà lãi suất cho vay lại không thể tăng tương ứng.
Đây là kết quả của hàng loạt nỗ lực từ phía cơ quan quản lý là NHNN nhằm hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kể từ sau một số biến cố xảy ra đối với nền kinh tế như dịch bệnh, bão lũ. Đồng thời, Thông tư 06/2023/TT-NHNN mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khác, quy định yêu cầu các NHTM công bố lãi suất các khoản vay mới… cũng gia tăng sự cạnh tranh về lãi suất cho vay của các ngân hàng. Chưa kể, tỷ lệ nợ xấu cũng có xu hướng gia tăng, trích lập dự phòng tăng theo khiến ngân hàng tốn thêm chi phí.
Tuy nhiên, bên cạnh sự sụt giảm, vẫn có nhiều nhà băng duy trì được tỷ lệ này, có ngân hàng còn tăng nhẹ NIM. Điều này cho thấy NIM đang có sự phân hóa. Ngân hàng quy mô lớn, có tăng trưởng tín dụng tốt, chất lượng tài sản đảm bảo đang có nhiều lợi thế về NIM hơn các nhà băng quy mô nhỏ, tỷ lệ nợ xấu cao.
Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ NIM của các ngân hàng trong cả năm 2024?
NIM cả năm 2024 của toàn ngành Ngân hàng được dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ. Tuy việc tăng lãi suất huy động đã chững lại trong thời gian gần đây nhưng chi phí vốn nhìn chung vẫn cao hơn năm 2023, trong khi đó chủ trương giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp vẫn được Chính phủ, NHNN định hướng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tuy có khởi sắc nhưng không đồng đều ở các nhà băng. Với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay nên NIM khó tăng cao. Còn nợ xấu ở các ngân hàng này lại có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống.
Ở một diễn biến khác, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có tăng trưởng cao khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Việc cải thiện NIM là vấn đề các nhà băng cần lưu tâm để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, lợi nhuận của mình.
Theo ông, trong dài hạn, để nâng cao hiệu quả của hoạt động, nâng cao tỷ lệ NIM, các ngân hàng cần chú trọng điều gì?
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là một trong những động lực giúp cải thiện NIM. Nếu ngân hàng thu hút được CASA tốt sẽ giúp chi phí vốn giảm. Với việc áp dụng nhiều công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đa dạng các hình thức gửi tiết kiệm, nâng cao an toàn, bảo mật, tỷ lệ CASA đang được cải thiện tích cực.
Tuy nhiên, để cạnh tranh “miếng bánh” này luôn rất khốc liệt và nhóm ngân hàng quy mô nhỏ khó có lợi thế. Thay vào đó, các ngân hàng có thể đa dạng hóa nguồn vốn như phát hành trái phiếu, thu hút vốn nước ngoài với chi phí thấp.
Ngoài ra, cần chú trọng đến việc kiểm soát tốt nợ xấu và tăng cường cho vay ở các lĩnh vực có rủi ro thấp sẽ giúp giảm thiểu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, góp phần giữ cho NIM ổn định. Đồng thời, việc đảm bảo khả năng thanh khoản trong mọi trường hợp, duy trì mức lãi suất huy động vốn trung bình cũng giúp giá vốn sẽ rẻ hơn. Sau cùng, ngân hàng cũng nên đa dạng nguồn thu, nếu quá phụ thuộc vào tín dụng sẽ tác động không tốt đến lợi nhuận, an toàn hệ thống ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm tại cafef.vn