Ngân hàng hút hơn 96.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy, tháng 7/2024 (từ 1/7 - 18/7), giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công giảm 82% so với tháng trước và giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Các đợt phát hành đáng chú ý bao gồm: VietinBank (3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%); SHB (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%) và HDBank (1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%).

Tính từ đầu năm, ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất với khoảng 96.200 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 65%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm.

-5160-1721811564.jpg

Tính từ đầu năm, ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất với khoảng 96.200 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 65%.

Xếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 32.600 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 là 47.500 tỷ đồng), tỷ trọng 22%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất là: CTCP Vinhomes (12.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (10.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng).

Bà Lê Minh Anh, chuyên gia phân tích Bộ phận nghiên cứu, Chứng khoán MBS cho rằng, các quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn nhằm tối ưu chi phí.

Nhiều đơn vị phân tích cũng nhận định, trái phiếu ngân hàng những tháng cuối năm sẽ được phát hành mạnh mẽ hơn do tín dụng được cải thiện.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup đánh giá, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay rất thấp, chỉ ở mức 3,8% tính đến 15/6. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay đã xuất hiện.

Một trong các tín hiệu đó là giá trị nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng mạnh. Khi xuất khẩu tăng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất sẽ cải thiện.

Để đạt tăng trưởng được tín dụng 15 - 16% cho cả năm 2024 thì các nhà băng phải có vốn. Song, theo ông Thuân, hiện hệ số an toàn vốn của các nhà băng còn "mỏng" cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng này. Do vậy, trong lúc đợi tăng vốn cổ phần thì phát hành trái phiếu (vốn cấp 2) là hoạt động dễ thực hiện hơn bởi các ngân hàng.

Theo số liệu từ Visrating, các ngân hàng đã phát hành 196.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104.000 tỷ đồng của năm 2019. Các ngân hàng đã sử dụng nguồn vốn này chủ yếu để hỗ trợ các khoản cho vay dài hạn, đáp ứng các tỷ lệ theo quy định: kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%.

Visrating ước tính, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới. Theo đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh do vốn cấp 2 của các ngân hàng này sẽ bị khấu trừ đáng kể.

Vì vậy, các ngân hàng sẽ cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn, miễn sao vốn tự có cấp 2 không được vượt quá 100% vốn tự có cấp 1 (chủ yếu gồm vốn điều lệ, các quỹ dự trữ và lợi nhuận chưa phân phối).

Theo báo cáo của MSB về giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn, tính đến ngày 18/7 ước tính có khoảng 10.100 tỷ đồng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn, giảm 60% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 84.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Trong tháng 7/2024 ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, nâng tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.

Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.

Ước tính có khoảng hơn 95.300 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản với giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên đến hơn 61.900 tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn