Ngân hàng kinh doanh chứng khoán: Kết quả gây bất ngờ

MB nổi bật trong nhóm lãi tăng

Hoạt động mua bán kinh doanh chứng khoán là một trong những hoạt động giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu và giảm thiểu rủi ro. Thêm nữa, ngân hàng có thể linh hoạt trong việc mua bán chứng khoán tận dụng các cơ hội thị trường, nhất là trong bối cảnh tín dụng còn khó khăn, nguồn thu từ bảo hiểm chưa hồi phục.

Kết quả kinh doanh bán niên 2024 của các ngân hàng cho thấy, có những nhà băng gây bất ngờ khi thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán.

Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2024, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10.726 tỷ đồng, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi các hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn, MB lại thành công rực rỡ trong hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, khi lợi nhuận từ hoạt động này đạt 1.412 tỷ đồng, gấp 8,8 lần cùng kỳ.

Mặc dù vậy, tính đến cuối tháng 6/2024, MB giảm 72% tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, xuống 12.308 tỷ đồng, các chứng khoán chưa niêm yết chiếm 91% tổng giá trị đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Tài chính MB cho biết, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn trong nửa đầu năm 2024 đạt 13.428 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, dù chi phí dự phòng gia tăng. Các công ty thành viên đang đi đúng hướng, đóng góp 5% vào lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn.

Với ACB, ngân hàng này lãi 155 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, dù quý II/2024 lỗ 41 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lỗ 14 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi. ACB chủ yếu đầu tư chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành, với giá trị đầu tư tính đến cuối quý II/2024 là 4.000 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Tính tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, ACB đã giảm 14,6% so với đầu năm, xuống 6.125 tỷ đồng.

Tại Techcombank, lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay đạt 12.546 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, Ngân hàng ghi nhận 80 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ đến cuối tháng 6/2024 là 4.142 tỷ đồng, gấp 13,7 lần cùng kỳ. Ngược lại, giá trị đầu tư vào trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành giảm 4.131 tỷ đồng.

Trong khối ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối, BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế 12.450 tỷ đồng khi kết thúc quý II/2024, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng 3,26%, nhưng lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 37%, đạt lên 246 tỷ đồng. BIDV đã tăng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh trong nửa đầu năm nay, lên 8.185 tỷ đồng, trong đó 87% là chứng khoán nợ.

VietinBank và Vietcombank nằm trong nhóm lãi giảm

Trong quý II/2024, ngành ngân hàng đóng góp 49,5% vào tổng lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, đạt hơn 60.900 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Không phải tất cả các ngân hàng đều ghi nhận kết quả tích cực trong hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, ngay cả 2 “ông lớn” là VietinBank và Vietcombank.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Vietinbank ghi nhận 63 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, giảm 72,6% so với cùng kỳ năm 2023; Vietcombank lãi 22 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng vào chứng khoán, phần lớn là trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành.

Tại SeABank, lợi nhuận từ mua bán chứng khoán kinh doanh trong nửa đầu năm nay là 69 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

ABBank ghi nhận kết quả đi ngang, với lợi nhuận đạt 6 tỷ đồng, sau khi giảm 782 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán chính phủ và chính quyền địa phương, đồng thời tăng gần 100 tỷ đồng vào chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.

Với MSB, báo lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng nửa đầu năm nay, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng. Riêng quý II/2024, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 2.342 tỷ đồng, tăng 6%; các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 17%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 10%. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, MSB chỉ thu về 88 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận trên 222 tỷ đồng; còn mảng chứng khoán kinh doanh lãi 1,87 tỷ đồng, cải thiện so với mức 350 triệu đồng của cùng kỳ.

Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 dự báo tăng 15%

Theo báo cáo của FiinGroup, quý II/2024, lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường chứng khoán tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế trụ cột khi đóng góp 49,5% vào tổng lợi nhuận toàn thị trường, đạt hơn 60.900 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ngành ngân hàng thu về gần 118.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm nay, nguồn thu nhập chính của nhiều ngân hàng gặp khó khăn do tín dụng tăng chậm và tình hình nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng tăng trích lập dự phòng. Do đó, các hoạt động ngoại bảng được chú trọng hơn, không ít nhà băng lãi lớn nhờ hoạt động ngoài lãi.

Nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định tích cực về lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2024, nhưng sẽ có sự phân hóa mạnh. Theo đó, những ngân hàng tốp đầu, quy mô vốn lớn, lợi nhuận năm nay sẽ tăng trưởng cao; nhóm ngân hàng quy mô vốn trung bình có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm; ngân hàng quy mô vốn nhỏ có thể chỉ hoàn thành 70 - 80% kế hoạch năm.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

VIS Rating nhận định, đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của ngành ngân hàng sẽ giảm so với cuối năm 2023, nhờ tỷ lệ hình thành nợ xấu mới giảm và các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc thu hồi hoặc xóa nợ.

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VPBank kỳ vọng, sự phục hồi của ngành ngân hàng sẽ rõ nét hơn trong nửa cuối năm nay. Với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành và các ngân hàng lớn đẩy được 90% hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao từ đầu năm, lợi nhuận trước thuế năm 2024 nhóm ngân hàng niêm yết có khả năng tăng 15% so với năm 2023.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn