Ngân hàng minh bạch lãi vay để cạnh tranh tín dụng

Minh bạch lãi vay

Ông Nguyễn Ngọc Quynh (trú tại tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện lãi suất cho vay của ngân hàng khá cạnh tranh và được công bố rộng rãi nên khách hàng thuận tiện hơn khi có nhu cầu tìm hiểu để vay vốn. Tháng trước, ông Quynh mới ký hợp đồng tín dụng 400 triệu đồng tại Ngân hàng VietinBank để bổ sung vốn lưu động cho cơ sở kinh doanh da giày của mình, với lãi vay chỉ 7%/năm.

Theo ông Quynh, trước kia, các ngân hàng không công khai lãi suất cho vay bình quân nên khi cần vay vốn, ông phải gọi đến từng ngân hàng để tìm hiểu. Nhưng nay, ông chỉ cần lên website của các ngân hàng cũng có thể nắm được thông tin về lãi suất cho vay bình quân; từ đó, ông sẽ chọn ngân hàng có chính sách lãi suất cạnh tranh nhất và liên hệ với nhân viên tín dụng để được tư vấn rõ ràng hơn.

Dù mặt bằng lãi suất cho vay đã về mức hợp lý, song sức cầu tín dụng vẫn yếu trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 10/5/2024, tín dụng toàn ngành tăng trưởng 1,95% so với thời điểm đầu năm.

Ngành ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đến hết quý II ở mức 5 - 6% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, nhà điều hành đề xuất các tổ chức tín dụng rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn.

Trong tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân cả với cá nhân và doanh nghiệp để người cần vốn có thể dễ dàng nắm bắt và lựa chọn khoản vay, cũng như lãi suất phù hợp.

Trong hơn 2 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện việc công khai lãi suất cho vay cả với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. VietinBank công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 5/2024 ở mức 6,3%/năm, Agribank là 7,47%/năm, BIDV 6,49%/năm, Vietcombank là 6,4%/năm.

Thực tế, khi có yêu cầu phải công bố lãi suất cho vay bình quân, không ít ngân hàng đã phản đối và cho rằng, điều này chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng cá nhân, còn khách hàng doanh nghiệp có khẩu vị rủi ro mỗi khoản vay khác nhau nên lãi vay sẽ áp không đồng đều.

Tuy nhiên, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng, việc công khai lãi suất cho vay bình quân là chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ và ngành ngân hàng phải thực hiện, đó là kỷ cương điều hành. Nếu các tổ chức tín dụng không thực hiện thì không chỉ Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá, mà nền kinh tế, doanh nghiệp đánh giá, đồng thời cũng khó cạnh tranh cho vay…

Vì vậy, không chỉ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, mà nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và các công ty tài chính cũng công khai lãi suất cho vay bình quân đối với nhu cầu tiêu dùng.

Cụ thể, lần đầu công khai lãi suất cho vay bình quân, FE Credit niêm yết mức lãi suất 23,4%/năm. Mức lãi suất này chênh lệch 16,9%/năm so với lãi suất tiền gửi được niêm yết bởi công ty tài chính trên được ghi nhận vào thời điểm tháng 2/2024.

Khơi dòng tín dụng

Công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là trách nhiệm của toàn hệ thống ngân hàng. Việc này nhằm tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng.

Do đó, dù Ngân hàng Nhà nước không có chế tài, nhưng dư luận xã hội sẽ giám sát việc công khai lãi suất cho vay của các ngân hàng thông qua cạnh tranh thị phần tín dụng. Như trường hợp của ông Quynh, việc sàng lọc nhà băng để tiếp cận vốn trước tiên dựa trên thông tin lãi suất được minh bạch trên website của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, nhà điều hành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay.

Hiện lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp được không ít ngân hàng áp dụng từ mức 6 - 7%/năm và khách hàng cá nhân khoảng 7 - 8%/năm trong giai đoạn từ 6 tháng đến 1 năm, với mục đích thu hút khách hàng vay vốn. Các nhà băng kỳ vọng, các gói tín dụng ưu đãi được tung ra sẽ kích cầu tín dụng trở lại.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank tin tưởng, với mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp và tín dụng quý I/2024 của Ngân hàng tăng trên 6% thì khả năng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là hoàn toàn đạt được, do cầu tín dụng tăng dần. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng dự kiến đến cuối năm nay vượt 438.000 tỷ đồng, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao.

Lãnh đạo NamA Bank cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay tại Ngân hàng được duy trì thấp trong thời gian nửa cuối năm 2024 kỳ vọng sẽ là điều kiện tích cực để kích cầu vốn cuối năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị OCB cũng cho rằng, tuy lãi suất huy động có tăng nhẹ gần đây, song lãi suất cho vay khó có thể tăng trong bối cảnh cầu vốn chưa tăng cao và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là với doanh nghiệp cần vốn.

Từ góc nhìn của TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital, nhìn chung, việc tín dụng tăng chậm từ đầu năm không phải là điều gì quá mới, nhất là khi tín dụng đã có mức tăng mạnh trong quý IV/2023. Theo ông Tuấn, Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế và cần thêm thời gian để hấp thụ lượng vốn vừa được giải ngân cuối năm ngoái.

“Tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ gần giống với năm 2023. Đầu năm có thể sẽ gặp khó khăn nhưng đến cuối năm, tổng mức tín dụng tăng trưởng toàn hệ thống có thể đạt 85 - 90% chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra”, ông Tuấn nói.

Sự phân hóa về tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục được thể hiện rõ nét khi mà các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tốt, có kế hoạch tăng vốn chủ động và chất lượng tài sản tốt sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung.

Thực tế, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao, vì sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, tuy nhu cầu vốn vay mua nhà, tiêu dùng luôn có và tăng cao, nhất là với cho vay mua nhà do nhu cầu nhà ở của người dân khu vực thành thị gia tăng, song thu nhập bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên chưa nhiều người dám nghĩ đến việc vay vốn mua nhà, cho dù lãi suất đã giảm.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, nhà điều hành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay.

Đồng thời, tín dụng hướng tới các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng cần phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn