Ngân hàng muốn bán đấu giá 800 tấn quặng, giảm giá sâu du thuyền để thu hồi
Sau 6 lần đấu giá bất thành, du thuyền FLC Albatross của ông Trịnh Văn Quyết vừa được ngân hàng BIDV rao bán lần thứ 7 với mức giá khởi điểm là 23,294 tỷ đồng, giảm gần 2,6 tỷ đồng so với phiên đấu giá lần thứ 6 và giảm 12,41 tỷ đồng so với giá khởi điểm công bố lần đầu tiên, tương đương mức giảm 35% so với giá ban đầu.
Ngoài chiếc du thuyền nói trên, một chiếc xe sang khác là Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết cũng từng bị Ngân hàng Phương Đông (OCB) thu giữ để đảm bảo thu hồi nợ đối với khoản vay của Công ty FLC Land.
Chiếc xe này từng được OCB rao bán với giá 28 tỷ đồng, nhưng sau đó đã sang tay cho một showroom ô tô tại Đồng Nai với giá 16,6 tỷ đồng trong lần đấu giá thứ 7, diễn ra vào tháng 5/2023.
Nhiều ngân hàng tăng tốc thu hồi công nợ và xử lý nợ xấu. |
Agribank vừa thông báo bán đấu giá 500 tấn quặng graphite của Công ty TNHH Việt Nam Carbon Graphite và 300 tấn quặng graphite của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Lâm Ngọc. Đây là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Agribank Chi nhánh Tây Hồ.
Số quặng này là dạng tinh thể khô, được đóng gói trong bao và đã được bàn giao cho Agribank Chi nhánh Tây Hồ để xử lý tài sản đảm bảo.
Theo đó, 500 tấn quặng graphite của Công ty TNHH Việt Nam Carbon Graphite (hàm lượng carbon 92%-93%, mesh -100) được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm 4,611 tỷ đồng.
Trong khi đó, Agribank muốn thu về 2,365 tỷ đồng từ việc bán đấu giá 300 tấn quặng graphite (hàm lượng carbon 90% - 92%, mesh - 100) của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Lâm Ngọc.
Mức giá trên chưa bao gồm thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Lệ phí chuyển quyền, chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, phí khác (chi phí công chứng hợp đồng mua bán), các loại thuế theo quy định của pháp luật sẽ do người trúng đấu giá chi trả.
Bên cạnh nhiều xe sang, du thuyền, các bất động sản cao cấp, cũng đang bị ngân hàng phát mại để thu hồi nợ.
Vietcombank chi nhánh Ba Đình mới đây thông báo phát mại biệt thự tại BT2-7 Khu ĐTM Nghĩa Đô, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Theo mô tả của Vietcombank, bất động sản này đứng tên ông Nguyễn Văn Quế và bà Cao Thị Phương. Thửa đất có diện tích 300m2 là đất ở lâu dài. Nhà xây dựng trên đất là biệt thự có 3 tầng, diện tích xây dựng 108m2, diện tích sàn 315,16m2.
Được biết, đây là tài sản thế chấp của CTCP Sản xuất và Thương mại Hóa chất An Phú tại Vietcombank chi nhánh Ba Đình. Theo biên bản định giá ngày 26/1/2021, giá trị định giá tài sản là 35,5 tỷ đồng. Vietcombank đưa ra giá khởi điểm của bất động sản này là 63,66 tỷ đồng, tức tăng 80% so với cách đây 2 năm.
Đánh giá về việc ngân hàng bán tài sản bảo đảm nhiều lần, thậm chí đại hạ giá mà vẫn “ế”, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, cho biết có nhiều lý do dẫn đến việc rao mãi vẫn ế.
Thứ nhất, kinh tế đang lúc suy giảm, việc phát mại vốn đã khó càng khó. Chưa kể việc tiếp cận vốn khá khó khăn, dòng tiền "tắc" lại. Có nhà đầu tư muốn mua nhưng không xoay được thêm vốn từ ngân hàng.
Thứ hai, rất nhiều trong khối nợ xấu là các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn… Nhưng với loại tài sản này, nhà đầu tư cần một số tiền rất lớn để vận hành trong khi kinh doanh loại hình này đang rất chật vật.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn