Điểm đến của “dấu chân Xanh”
Tháng 11/2024, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã ký kết một thỏa thuận tài trợ tín dụng thương mại xanh. Sự kiện này ghi dấu khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC Việt Nam cấp cho Vĩnh Hoàn, cũng là lần đầu HSBC Việt Nam tài trợ trong lĩnh vực thủy sản.
“Ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động của nó, bao gồm cả ngành thủy sản, là ưu tiên hàng đầu của HSBC tại Việt Nam. Trọng tâm chiến lược của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam có tầm nhìn và kế hoạch phát triển bền vững rõ ràng như Vĩnh Hoàn”, Ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc Toàn quốc, Khối Khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam chia sẻ.
Là một quốc gia vùng nhiệt đới với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, nơi sinh sống của hơn 1.300 loài sinh vật biển, Việt Nam sở hữu tất cả lợi thế và tiềm năng để phát triển một ngành thủy sản trù phú. Ngành thủy sản đóng góp gần 1/4 của GDP ngành nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba và sản lượng xuất khẩu thủy sản đứng thứ tư thế giới.
Tuy nhiên, thế mạnh trong ngành thủy sản có thể suy giảm nhanh chóng khi Việt Nam được cảnh báo là 1 trong 5 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Do vậy, ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình theo đuổi, “chuyển mình” hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời truyền cảm hứng trên thị trường tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh… được đánh giá là điểm nhấn quan trọng đối với nền kinh tế.
Dẫn chứng trên chỉ là một trong những “điểm đến” của hành trình “dấu chân Xanh” của HSBC Việt Nam trong kế hoạch phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn xanh, đồng thời tái khẳng định vai trò và nỗ lực của ngân hàng này trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển bền vững.
Trước đó, HSBC Việt Nam và Công ty cổ phần Gemadept đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững, đánh dấu khoản tín dụng liên kết bền vững đầu tiên mà HSBC thu xếp thành công cho một doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics.
Để tham gia khoản vay này, không chỉ có kết quả kinh doanh khả quan, Gemadept đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng bền vững của HSBC, đồng thời xây dựng những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong chiến lược phát triển xanh và bền vững của mình.
Theo đó, Gemadept đang và sẽ hoàn thành việc đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính tại các cảng theo phạm vi 1, 2 và 3, đồng thời cần đạt được các tiêu chuẩn cơ sở về Tiêu chí cảng xanh Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành.
Đáng chú ý, lĩnh vực khai thác cảng và logistics đóng vai trò “mạch máu” cho nền kinh tế, là cầu nối quan trọng trong giao thương hàng hóa quốc gia và phạm vi toàn cầu. Tiềm năng của ngành càng được khẳng định hơn với tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian qua, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá quý I/2024 tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ước tính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040, tương đương 368 tỷ USD/năm theo giá trị hiện tại và một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác.
Để hút nguồn vốn xanh
Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Standard Chartered Việt Nam chia sẻ, các ngân hàng ngoại đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến tài chính xanh và đầu tư bền vững nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang một tương lai xanh hơn.
Nhiều ngân hàng đang phát triển các nguyên tắc phân loại tài chính xanh như một bộ hướng dẫn cho các giao dịch tài chính xanh.
Chẳng hạn, tại Standard Chartered Việt Nam, ngân hàng này tận dụng kiến thức chuyên môn sâu rộng để hỗ trợ các sáng kiến quan trọng thúc đẩy sự phát triển tài chính xanh trong nước.
Cụ thể, thúc đẩy tài chính xanh cho các ngành khác nhau như năng lượng tái tạo, sản xuất, vận chuyển, nông nghiệp…, tạo ra nhiều sản phẩm tài chính xanh hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển đổi xanh.
Ông Andrea Campagnoli - đối tác sáng lập kiêm Trưởng Văn phòng của Bain & Company tại Việt Nam nhận định, cho đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng chú ý trong quá trình chuyển đổi năng lượng và đang có tiềm năng to lớn để tăng tốc và phát triển hơn nữa nền kinh tế xanh.
Nghiên cứu của Bain & Company cho thấy, các cơ hội đầu tư quan trọng có thể mang lại 150 tỷ USD cho khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và Việt Nam có vị thế thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư xanh này.
“Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam nên ưu tiên các giải pháp có tác động lớn và sẵn sàng phát triển năng lượng gió và mặt trời quy mô lớn, mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối (T&D) để hỗ trợ năng lượng tái tạo và thúc đẩy canh tác lúa gạo bền vững. Điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu hành động ngay từ bây giờ để đạt được những tiến bộ vững chắc nhằm hướng tới các mục tiêu về khí hậu năm 2030”, ông Andrea Campagnoli nói.
Để tạo nền tảng vững chắc hơn nữa cho sự phát triển thị trường tài chính xanh Việt Nam trong tương lai, ông Jason Yang - Giám đốc cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, tính kinh tế phải hợp lý với các doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời, các ưu đãi như giảm thuế, trợ cấp, tài trợ và chia sẻ rủi ro của các khoản vay xanh có thể được áp dụng để khuyến khích sử dụng các công nghệ xanh,.
Bên cạnh đó, cần đặt ra các mục tiêu phát triển cấp quốc gia (chẳng hạn số lượng công trình xanh được xây dựng, việc áp dụng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp…), có các tiêu chuẩn rõ ràng dành riêng cho Việt Nam và đi kèm với các chính sách/chương trình hỗ trợ là rất quan trọng.
Đồng thời, khung khổ pháp lý phải phù hợp với thông lệ quốc tế và được thiết kế để hỗ trợ từng trường hợp áp dụng cụ thể. Sự phối hợp giữa các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương có thể được hài hòa hơn nữa thông qua các cuộc đối thoại thường xuyên hơn.
“Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức và kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau là rất quan trọng. Điều này bao gồm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích của công nghệ xanh, các tiêu chuẩn mới nhất và các ví dụ thành công điển hình. Việc đào tạo và cung cấp nguồn lực có thể giúp các doanh nghiệp hiểu cách triển khai và hưởng lợi từ các hoạt động bền vững”, ông Jason Yang nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát của UOB về mức độ hiểu biết và áp dụng tính bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trong khi 94% doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của phát triển bền vững, thì chỉ 45% đã áp dụng các hoạt động bền vững.
Rào cản chính đối với các doanh nghiệp khi áp dụng tính bền vững là những lo ngại về tính kinh tế và thiếu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này.
Không ai khác, các tổ chức tài chính có lẽ sẽ đóng vai trò quản trị quan trọng trên cơ sở tận dụng các tiêu chuẩn quốc gia và chương trình ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên nền tảng các tiêu chí bền vững.