Ngân hàng rậm rịch Đại hội cổ đông, doanh nghiệp mong hạ lãi suất khoản vay cũ
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, điều hành chủ động, linh hoạt, hài hòa, kịp thời, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá, tín dụng để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng đến tháng 3 và quý I năm 2024 mới đạt khoảng 0,9%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024 và các văn bản liên quan nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
b) Khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách đột phá các gói tín dụng ưu đãi góp phần tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân.
c) Khẩn trương rà soát toàn diện, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện hạn mức tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024 và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.
d) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2024.
đ) Chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng:
- Thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10 tháng 4 năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thường thực Chính phủ tại Thông báo số 134/TB-VPCP ngày 02 tháng 4 năm 2024; tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; phát huy vai trò, tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong việc thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; trên tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển bền vững, lâu dài.
e) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu ngay việc xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội có thời hạn đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn cho vay thương mại thông thường và cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi hơn để các đối tượng có thu nhập thấp có cơ hội, động lực để mua nhà hoặc thuận lợi trong việc thuê hoặc thuê mua; tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 123/TB-VPCP ngày 27 tháng 3 năm 2024.
g) Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng và có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
2. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tập trung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
3. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản muốn được giảm thêm lãi suất vay vốn bằng USD
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Vasep cho rằng, hiện áp lực lãi vay bằng USD đối với các doanh nghiệp xuất khẩu còn lớn.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư lý Hiệp hội Vasep cho hay, thủy sản năm qua xuất khẩu giảm gần 20%, nhưng trong quý I/2024 đã tăng trưởng trở lại khoảng 10%, trong đó chủ yếu là xuất sản ngành tôm. Do đó, nhu cầu vốn cũng bắt đầu trở lại với doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, do đặc thù của ngành xuất khẩu nên doanh nghiệp luôn mong muốn được vay USD, với lãi suất từ 2-4%/năm, nhưng với biến động của tỷ giá hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải vay vốn bằng USD với lãi suất 5%/năm.
Thêm vào đó, sự biến động của tỷ giá khiến rủi ro đối với doanh nghiệp gia tăng, do đó hiện nhiều doanh nghiệp đang xem xét diễn biến của thị trường thay vì mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, qua khảo sát của các doanh nghiệp cũng mong muốn các ngân hàng giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm và công bố rộng rãi hơn các gói tín dụng ưu đãi lãi vay.
Cũng theo bà Lan, hiện các gói ưu đãi thì nhóm doanh nghiệp thủy sản chỉ vay được sau dịch, còn các gói vay ưu đãi hiện nay cũng chưa được phổ biến và chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến. Chẳng hạn với gói tín dụng thủy sản 15.000 tỷ đồng cũng chỉ được một số doanh nghiệp biết đến, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa có thông tin.
Lãi suất doanh nghiệp vay vốn bằng VND hiện nay cũng còn ở mức cao từ 6-8%/năm và khoảng 8-9%/năm đối các doanh nghiệ[ nhỏ, không còn nhiều tài sản đảm bảo.
Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay chủ trương giảm dần quan hệ vay mượn ngoại tệ, chỉ cho vay ngoại tệ ở một số lĩnh vực và dần chuyển sang quan hệ mua bán. Với mức lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay, nhất là trước bối cảnh tỷ giá biến động hiện nay thì lãi suất cho vay ngoại tệ cũng là một trong những vẫn đề được quan tâm.
Về các chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực thủy sản, hiện các ngân hàng đã gia tăng gói tín dụng ưu đãi từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay khá cạnh tranh nên các doanh nghiệp có thể tiếp cận các ngâ nhàng để vay vốn ưu đãi.
Phó thống đốc Đào Minh Tú: Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét gia hạn Thông tư 02
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng, thay vì hết hiệu lực từ tháng 6/2024.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.
Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi. Tính đến 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.
Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; Tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Nhưng điểm sáng của hoạt động ngân hàng là tín dụng đã phục hồi, tăng trưởng trở lại trong tháng 3. Vì thế, cần tập trung bàn các giải pháp khơi thông tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo Phó thống đốc Tú, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến kinh tế Việt Nam. Sắp tới được biết Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành làm sao hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tễ vĩ mô. Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp, nhất là hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Vấn đề còn lại là làm thế nào để khơi thông được dòng vốn.
Trong đó, đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Hạn mức tín dụng đã Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, ông Tú nhấn mạnh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào 30/6/2024.
Chủ tịch HĐQT ABBank: Lợi nhuận thấp do NIM giảm khủng khiếp
Nợ xấu cao, mục tiêu lợi nhuận thấp, chậm niêm yết lên sàn HoSE, giá cổ phiếu đi xuống, không chia cổ tức… là những vấn đề cổ đông chất vấn sáng nay tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của ABBank.
Năm nay, ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản 170.000 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2023), song lợi nhuận trước thuế kỳ vọng chỉ đạt 1.000 tỷ đồng. Dù con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2023 (lợi nhuận năm 2023 của ngân hàng giảm gần 70% so với năm trước và không hoàn thành mục tiêu kế hoạch), song thấp so với tổng tài sản. Nhiều cổ đông chấn vấn về hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Giải trình vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, năm 2023 là năm NIM (biên lãi ròng) giảm khủng khiếp. Những ngân hàng lớn có lợi thế lớn vì tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, còn ABBank do CASA thấp, chịu áp lực chi phí vốn quá cao. Thêm vào đó, nợ xấu phát sinh càng khiến cho NIM càng thấp. Mặc dù phần lớn khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo, song theo Chủ tịch ABBank, kể cả có tài sản đảm bảo thì thu hồi tài sản cũng không dễ dàng.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, năm nay, ngân hàng dự kiến phải dự phòng rủi ro lên tới 1.400 tỷ đồng. Như vậy, với mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, ABBank phải “kiếm” được khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng. Đó là con số thách thức.
Năm 2023, lợi nhuận của ngân hàng giảm sâu do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao...
“ABBank đặt mục tiêu giảm nợ xấu, quản lý chặt chất lượng tín dụng, không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, vì trong tình hình khó khăn và nhiều tồn tại mà cứ đua thì có thể phải trả giá”, quyền Tổng giám đốc ABBank nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo ABBank, ngân hàng này đã nhìn thẳng vào sự thật là sức cạnh tranh thấp và đã ký kết hợp đồng với McKinsey để phân tích, đánh giá thực trạng ngân hàng, đánh giá điểm yếu để thay đổi.
Thời gian qua, cổ đông nắm giữ cổ phiếu ABB vô cùng sốt ruột vì thị giá liên tục lao dốc, không chia cổ tức, chậm niêm yết lên sàn HoSE, triển vọng lợi nhuận kém khả quan. Nhiều câu hỏi chất vấn HĐQT ngân hàng về vấn đề này.
Ông Đào Mạnh Kháng cho hay, ai cũng muốn giá trị cổ phiếu đi lên, song ngân hàng không kiểm soát giá cổ phiếu trên thị trường, không kích cầu cổ phiếu để mang lại lợi ích cho bất cứ ai.
Về vấn đề lên sàn HoSE, Chủ tịch ABBank cho biết, đây cũng là mục tiêu của ngân hàng để huy động vốn thị trường tốt hơn, quản lý thông tin minh bạch hơn. Việc niêm yết cũng sẽ giúp tăng giá trị cổ phiếu, giúp cổ đông đầu tư vào ngân hàng yên tâm hơn.
Tuy nhiên, ông Kháng cho rằng, điều kiện năm nay chưa thuận lợi để đưa lên sàn. “Trong lộ trình 5 năm mà chúng tôi đã trình có việc đặt mục tiêu vốn hoá 3 tỷ USD, không chỉ tăng trưởng hữu cơ của ABBank, cũng sẽ cần cú hích như M&A hoặc có cổ đông mới, hoặc niêm yết. McKinsey sẽ hỗ trợ ABBank để cùng triển khai lộ trình này", Chủ tịch ABBank cho hay.
Về nguyên nhân không chia cổ tức, lãnh đạo ABBank cho biết ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng và mong cổ đông kiên nhẫn đợi hái quả ngọt hơn vì chiến lược thì không thể nhanh được, "trồng một cây tre không thể nảy mầm nhanh lên được".
ĐHĐCĐ ACB: Đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10%, cổ tức 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu
HĐQT ACB dự trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2023. Tỷ lệ cổ tức chia 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Ngày 4/4, ACB tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 để trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay. ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng.
Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.
Trước đó, kết thúc năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành.
HĐQT của ACB nhận định, năm 2024 nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh.
Với các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên nhiều thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... kinh tế năm 2024 có thể phục hồi. ACB kỳ vọng khả năng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của các hộ gia đình.
ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ACB trình ĐHĐCĐ chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng.
Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng. Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các Dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.
Thông tin công bố, trong phiên giao dịch 28/3, quỹ ngoại Whistle Investment Limited đã bán nốt 48,9 triệu cổ phiếu ACB đang nắm giữ, đưa tỷ lệ sở hữu từ 1,26% xuống 0%. Giá trị giao dịch thỏa thuận trong phiên là 1.462 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 29.900 đồng/cp.
Trước đó, phiên 22/3, quỹ này cũng đã bán ra 145 triệu cổ phiếu ACB với mức giá trung bình là 27.650 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 4.009 tỷ đồng.Tổng cộng, sau hai phiên giao dịch, quỹ Whistle Investment Limited đã thoái vốn hoàn toàn khỏi ACB. Số tiền thu về tổng cộng là hơn 5.471 tỷ đồng.
Theo công bố, kể từ ngày 1/4, Whistle Investment Limited đã không còn là cổ đông lớn của ACB. Nhưng danh tính của người mua trong hai phiên giao dịch trên vẫn chưa được công bố. Cả hai giao dịch đều là mua bán của khối ngoại và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30% (bằng với trần).
Cạn tài sản thế chấp, doanh nghiệp mong được giảm lãi suất khoản vay cũ
Lãi suất giảm, song nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng, do cạn tai sản để thế chấp. Trước bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp mong được giảm lãi suất khoản vay cũ.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) ông Nguyễn Đình Tuệ cho biết, năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.
Theo ông Tuệ, trong 2 tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, như ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng đã hạ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Tuệ, qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp được biết, họ vẫn khó tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tuệ chỉ ra lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Do đó, để khắc phục tình hình này, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đề xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào 30/6 tới", ông Tuệ nói.
Còn về phía ngân hàng, ông Tuệ cũng đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chống tiêu cực trong bộ máy, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Về phía người vay vốn, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng có báo cáo gửi UBND TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02 năm 2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay, song tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, theo khảo sát của HUBA, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị, ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, ngân hàng có chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ.
Có nghĩa, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.
Đồng thời, HUBA kiến nghị chính quyền TP.HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các Dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.
Không thể hạ chuẩn, đẩy mạnh tín dụng ồ ạt
Tuy nhiên, với bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, sử dụng đồng vốn huy động để cho vay nên không thể cho vay ra bằng mọi giá, nhất là trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay, các nhà băng càng nâng cao quản trị rủi ro, kiểm soát nợ xấu. Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh rằng, ngân hàng cũng mong muốn đẩy mạnh hoạt động cho vay, tăng trưởng dư nợ, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng, ngược lại còn phải tăng cường kiểm soát rủi ro.
Theo ông Đào Minh Tú, các chương trình ưu tiên ưu đãi lãi suất hiện nay rất nhiều, bản thân NHNN và các ngân hàng thương mại cũng đã ra các gói tín dụng ưu đãi vừa để khuyến khích, vừa tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên.
Gói 120.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 cho thủy hải sản, lâm nghiệp… Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ứng dụng các công nghệ để có thể hỗ trợ hoạt động tín dụng, đặc biệt là quy trình thủ tục cho vay. Rất nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ cho vay thời gian chỉ vài ngày qua chương trình trực tuyến giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn.
Theo phó thống đốc, tính chung cho toàn hệ thống, cho tất cả các khoản vay ngắn và trung, dài hạn thì đến hết tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới phát sinh của hệ thống là khoảng 3%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Còn lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Chính phủ, NHNN luôn luôn chỉ đạo phải giảm lãi suất, tháo gỡ cho doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại nữa. Ông Tú cho rằng, Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đặt ra câu chuyện lợi nhuận, nhưng lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm. Ngay cả với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, NHNN can thiệp với tư cách chủ sở hữu để hạ lãi suất cho doanh nghiệp.
"Quan điểm của NHNN là điều hành lãi suất linh hoạt, không đặt tăng hay giảm lãi suất điều hành. Từ cuối năm 2023 đến nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cả cũ", Phó thống đốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Tú cũng thông tin rằng, thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bản của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%.
Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý… Đây là các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu rất lớn, trở thành cục máu đông như cách đây hơn 10 năm mà xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.
Xem thêm tại baodautu.vn