Ngân hàng rao bán Nhà máy găng tay Khải Hoàn Quốc tế thu nợ 691 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Khải Hoàn Quốc tế, được hình thành bởi 3 hợp đồng cho vay, cấp tín dụng vào năm 2021 và 2022.

Theo thông tin dư nợ tại VCB Sài Thành, tổng dư nợ của Khải Hoàn Quốc tế tính đến hết ngày 11/11/2024 là hơn 691,1 tỷ đồng, bao gồm 593,4 tỷ đồng dư nợ gốc, 92,5 tỷ đồng dư nợ lãi trong hạn và 5,2 tỷ đồng lãi quá hạn. Tiền lãi sẽ tiếp tục phát sinh từ ngày 12/11/2024 cho đến khi công ty thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại VCB Sài Thành.

Phối cảnh nhà máy sản xuất găng tay Khải Hoàn Quốc tế 

Khoản nợ được đảm bảo bởi toàn bộ công trình nhà xưởng, tài sản gắn liền với đất, các công trình phụ trợ hình thành trong tương lai và các hạng mục xây dựng thuộc dự án Nhà máy sản xuất găng tay y tế Khải Hoàn Quốc Tế tại Khu công nghiệp Đất Đỏ I, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do Công ty cổ phần Khải Hoàn quốc tế làm chủ đầu tư; máy móc, thiết bị thuộc dự án nhà máy sản xuất găng tay y tế Khải Hoàn Quốc tế; 1 ô tô con nhãn hiệu Toyota, số loại Corolla; hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh thuộc sở hữu Khải Hoàn Quốc tế.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn bao gồm hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng số 0070/2022/STN-HĐTCQTS ngày 4/5/2022, phần vốn góp của cổ đông trong Công ty Khải Hoàn Quốc tế và bảo lãnh bên thứ ba cho nghĩa vụ nợ của công ty.

Giá khởi điểm của khoản nợ là 622 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 10% so với giá trị của khoản nợ.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Khải Hoàn Quốc tế được thành lập vào tháng 9/2020, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất găng tay cao su các loại.

Vốn điều lệ của Khải Hoàn Quốc tế là 500 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập là bà Bùi Thị Thuý Hà (góp 150 tỷ đồng), ông Bùi Thế Hùng (góp 200 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (góp 150 tỷ đồng).

Người đại diện theo pháp luật ban đầu là ông Bùi Thế Hùng, với chức danh được ghi nhận trong bản đăng ký doanh nghiệp là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Ở bản đăng ký được sửa đổi gần đây nhất, người đại diện pháp luật được thay thế bởi ông Vũ Việt Dũng, với vai trò tổng giám đốc.

Trước đó, Vietcombank đã thông báo bán đấu giá khoản nợ này với giá khởi điểm bằng đúng giá trị của khoản nợ. Như vậy, ngân hàng này đã giảm giá 10% sau lần đấu giá thất bại.

Vietcombank hiện cũng đang tiến hành lựa chọn tổ chức đấu giá cho khoản nợ của Công ty TNHH An Phúc. Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 325 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý III, Vietcombank ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tổng nợ xấu đạt 17.133 tỷ đồng, tăng 36% với sự “nhảy vọt” của nợ nhóm 3 và nhóm 5. Tỷ lệ nợ xấu nhích từ 0,99% (đầu năm) lên 1,22%.

Luỹ kế 9 tháng, Vietcombank lãi thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hơn 41.563 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động dịch vụ cũng đem về lợi nhuận tăng trưởng tích cực, tăng 6% tương đương đạt hơn 4.212 tỷ đồng.

Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh đều ghi nhận kết quả đi lùi, lần lượt giảm 22% và 56% so với cùng kỳ, đem về 3.706 tỷ đồng và 57,7 tỷ đồng lãi thuần.

Vietcombank báo lãi trước thuế 9 tháng năm 2024 đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn