Ngân hàng rục rịch tung chiêu kích cầu vay mua nhà

Vietcombank đang áp dụng lãi suất vay mua nhà 6,7%/năm, cố định trong 18 tháng đầu tiên. Ảnh: Đức Thanh

Loạt động thái mới kích cầu bất động sản giá rẻ

Cuối tuần qua, Vietcombank thông báo giảm thêm lãi suất huy động 0,1 - 0,2 điểm phần trăm ở hàng loạt kỳ hạn, đưa mặt bằng lãi suất huy động về mức thấp nhất lịch sử (lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 1,7%/năm, kỳ hạn 1 năm còn 4,7%/năm). Ngân hàng này cũng đưa lãi suất vay mua nhà xuống mức 6,7%/năm, cố định trong 18 tháng đầu tiên; nếu cố định trong 2 năm, lãi suất là 6,8%/năm.

Không riêng Vietcombank, nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi vay mua nhà. Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, Agribank đưa lãi suất cho vay mua nhà về mức 7%/năm trong 1 - 2 năm đầu. BIDV giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống quanh mức 6,5%/năm. VietinBank áp dụng lãi suất vay mua nhà 6,4%/năm trong thời gian đầu được ưu đãi.

Như vậy, so với cuối năm 2023, lãi vay mua nhà của nhóm ngân hàng “big 4” đã giảm thêm 1 -1,5 điểm phần trăm. Còn với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất cho vay mua nhà hiện dao động trong khoảng 5,9 - 10,5%/năm. Lãi vay mua nhà thả nổi dao động trong khoảng 10,5 - 12%/năm.

“Năm 2023, người dân hầu như không vay tiền mua nhà, sửa nhà. Tôi hy vọng, năm 2024, khi lãi suất cho vay giảm tiếp, tín dụng mua nhà, sửa nhà sẽ phục hồi”, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng.

Không chỉ ngân hàng thương mại giảm lãi suất, cơ quan điều hành cũng có thêm động thái hỗ trợ thị trường.

Cụ thể, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro một số khoản vay bất động sản như nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp... Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay với khách hàng cá nhân là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, với những động thái tích cực của ngành ngân hàng hiện nay, thị trường bất động sản nhà ở sẽ khởi sắc tích cực trong năm 2024, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội.

Ngoài biện pháp thúc đẩy cầu từ phía ngân hàng, một loạt giải pháp thúc đẩy nguồn cung cũng sẽ được Bộ Xây dựng triển khai. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn cả nước có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Giá nhà không giảm, người vay sẽ còn chùn tay

Dư nợ cho vay mua nhà ở các nước trung bình chiếm 20 - 25% tổng dư nợ tín dụng. Ở nước ta, dư nợ cho vay mua nhà hiện chiếm 14% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và vẫn còn dư địa mở rộng thêm.

Năm 2023, lãi vay mua nhà giảm khoảng 3% và đầu năm nay đang tiếp tục giảm, song các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024. Năm 2023, dư nợ vay mua nhà của cá nhân giảm 0,7%, trong khi dư nợ kinh doanh bất động sản tăng tới 22%.

Theo chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến người dân không dám vay mua nhà là vì giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút, tâm lý của người mua nhà cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động (2022 - 2023). Quan trọng nhất là, một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.

“Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý, tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm BIDV và VietinBank, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác”, chuyên gia phân tích của SSI nhận định.

Trong khi đó, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh cho rằng, để tín dụng mua nhà khởi sắc, lãi vay cần phải giảm hơn nữa.

“Mặc dù lãi suất vay mua nhà năm đầu hiện nay khá hấp dẫn (6 - 7%/năm), song người dân chủ yếu quan tâm lãi suất thả nổi, vì vay mua nhà có thời hạn rất dài. Lãi vay thả nổi phổ biến 10 - 12%/năm chưa phải là mức hấp dẫn với người vay. Tôi kỳ vọng, năm 2024, lãi vay thả nổi về dưới 10%/năm, khi đó, có thể người mua nhà mới quay trở lại”, ông Khôi nhấn mạnh.

Bên cạnh lãi suất giảm, một trong những điều kiện tiên quyết để thị trường bất động sản và tín dụng mua nhà khởi sắc trở lại là giá nhà cần phải rẻ hơn. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị các doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chú trọng sản phẩm hướng về nhu cầu thực, nhà ở có giá phù hợp với túi tiền của người dân và có phương án giảm giá nhà trong bối cảnh hiện tại.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp bất động sản và Bộ Xây dựng phải có nhiều biện pháp để cơ cấu lại phân khúc, hạ giá bất động sản cho phù hợp với nhu cầu ở thực của người dân.

Phân khúc nhà ở xã hội sẽ có đủ lực để phát triển.

- Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Một loạt luật mới đã và sắp ban hành, như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) khi có hiệu lực sẽ thực sự là bước thay đổi lớn, tác động mạnh làm tăng nguồn cung cũng như điều tiết giá thị trường bất động sản phù hợp với người dân hơn. Phân khúc nhà ở xã hội sẽ có đủ lực để phát triển và đạt các kết quả ấn tượng trong năm 2024, nhất là khi nhu cầu đối với phân khúc này đang rất cao và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Xem thêm tại baodautu.vn