Ngân hàng sẽ phải bước vào cuộc đua tăng vốn mới

Với đợt tăng vốn sắp tới, Vietcombank vươn lên vị trí số 1 về vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Với đợt tăng vốn sắp tới, Vietcombank vươn lên vị trí số 1 về vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Rầm rộ tăng vốn

Theo Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2030, Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu lộ trình nâng dần Hệ số CAR lên 10,5% (theo quy định hiện hành, CAR tối thiểu là 8%). Trong đó, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, vốn đệm bảo toàn vốn sẽ nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Tỷ lệ này linh hoạt trong từng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước quyết định với mức dao động 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.

Ông Võ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc tư vấn Dịch vụ tài chính - ngân hàng, Công ty EY Việt Nam cho hay, đây là quy định nhằm tuân thủ Basel III. Việc này sẽ giúp các ngân hàng có một mức đệm phòng ngừa trước khi vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu và tạo điều kiện để cơ quan giám sát có đủ thời gian can thiệp trước khi sự kiện đổ vỡ thực sự xảy ra.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung vốn đệm bảo toàn vốn sẽ giúp các ngân hàng dự trữ đủ vốn trong giai đoạn tăng trưởng nóng và bù đắp sự sụt giảm về vốn trong khủng hoảng. Một khi Ngân hàng Nhà nước bỏ cơ chế room tín dụng, quy định về bộ đệm vốn của các ngân hàng thương mại là rất quan trọng.

Ngoài bổ sung quy định về vốn đệm bảo toàn vốn, Dự thảo cũng quy định, các ngân hàng sẽ phải đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu là 6%. Quy định này nếu ban hành sẽ gây thách thức không nhỏ với các ngân hàng.

Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu, song đây không phải là nguồn vốn chất lượng, dễ biến động. Đơn cử, tại Vietcombank, trái phiếu tăng vốn chiếm 5% vốn tự có và nguồn vốn này có thể sụt giảm khi đến kỳ đáo hạn trái phiếu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, việc tuân thủ Basel III sẽ khiến áp lực tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục gia tăng thời gian tới, đặc biệt với nhóm ngân hàng Big 4. Hiện nay, quy trình, thủ tục tăng vốn của các ngân hàng Big 4 quá rườm ra, nên việc cho phép cơ chế dài hơi để các ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận tăng vốn là rất cần thiết.

Chạy đua tăng vốn, ngân hàng Việt vẫn kém xa ngân hàng khu vực về Hệ số CAR

Với các ngân hàng thương mại, tăng vốn điều lệ không chỉ để đáp ứng Basel III, mà còn để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng khả năng ứng phó với rủi ro, tăng cường năng lực tài chính… Hiện nay, chỉ một số ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, do đó, phần lớn ngân hàng đang đối mặt với áp lực tăng vốn trong những năm tiếp theo.

- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Nghị quyết Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã “chốt” chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Theo đó, Vietcombank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng - vươn lên vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng, vượt qua 2 ngân hàng tư nhân đang dẫn đầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).

Trong khối Big 4, BIDV và VietinBank cũng đang đợi cơ quan chức năng hoàn thành bước phê duyệt cuối cùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Trong khi đó, các ngân hàng TMCP tư nhân cũng cấp tập tăng vốn. Cuối tháng 11/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

HDBank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.825 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, LPBank đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%. Trong khi đó, Bac A Bank, Eximbank cũng vừa điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ…

Mặc dù ồ ạt tăng vốn, song Hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 8/2024, Hệ số CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước là 10,72%, của ngân hàng thương mại cổ phần là 12,02%. Trong khi đó, CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, để đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận để đổi lấy an toàn. Theo quy định của Basel III, ngân hàng không chỉ tăng vốn, mà còn phải nâng cao cấu phần vốn lõi, cấu phần vốn đệm dự phòng.

Lâu nay, các ngân hàng lớn đã có ý thức từng bước tuân thủ quy định mới này, song với các ngân hàng nhỏ đang “liệu cơm gắp mắm”, thì lộ trình tăng vốn thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong một nền kinh tế đầy biến động, việc tăng bộ đệm vốn để đối phó với các cú sốc là yêu cầu bắt buộc.

Việc ngân hàng đứng trước áp lực tăng vốn mạnh thời gian tới cũng đồng nghĩa với khả năng cổ đông được chia cổ tức bằng tiền mặt ngày càng bị co hẹp, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán chật vật như hiện nay.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn