Ngân hàng tăng thu ngoài tín dụng, kỳ vọng bù đắp lợi nhuận bị hao hụt

Lợi nhuận sụt giảm vì tín dụng tăng thấp

Một trong các mục tiêu của Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" là phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên 16-17% vào cuối năm 2025.

Có tới 15/28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận 9 tháng năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng khó khăn trong khi chất lượng tài sản suy giảm do ảnh hưởng bởi những biến động trong và ngoài nước. Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 27/10/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,1% so với cuối năm 2022, nghĩa là chỉ mới hoàn thành một nửa mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra hồi đầu năm.

Với mức tăng trưởng thấp này, thu từ lãi là nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các ngân hàng đã giảm mạnh.

Chẳng hạn, BacABank chỉ đạt 77 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2023, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 33% so với cùng kỳ.

PG Bank cũng có lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2023 là 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, giảm mạnh do thu nhập lãi thuần giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 10,6 tỷ đồng, tương đương giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý 3 kém dẫn đến các hoạt động thanh toán, thư tín dụng (L/C) bị ảnh hưởng lớn.

Với LPBank, thu nhập lãi thuần trong quý 3/2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Techcombank cũng có thu nhập lãi thuần giảm 14% do chi trả lãi tiền gửi lên tới 14.448 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022…

Thu ngoài lãi chưa bền vững

Các ngân hàng đã phải đẩy mạnh tăng thu từ các nguồn thu nhập ngoài lãi. Tại VIB, thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Theo VIB, việc chuyển đổi số mạnh mẽ những năm qua đã giúp ngân hàng vận hành hoạt động một cách hiệu quả, gia tăng năng suất lao động của nhân viên. Việc tiên phong trong ứng dụng công nghệ AI, sinh trắc học… đã hỗ trợ VIB khi thúc đẩy mảng ngân hàng bán lẻ.

Tại MSB, ngân hàng này cũng đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2022, trong đó doanh thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỷ trọng 43% trong tổng doanh thu phí dịch vụ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 1.031 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Với TPBank, dù quý 3/2023 là quý có lợi nhuận thấp nhấp trong 6 quý gần đây nhưng ngân hàng vẫn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng. Theo TPBank, hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 3/2023 vẫn giữ đà tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và đạt doanh thu thuần là 123 tỷ đồng. Nhờ việc tận dụng tốt các cơ hội thị trường đã mua lại hiệu quả cao cho hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của TPBank trong quý 3 với mức doanh thu thuần đạt gần 552 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, tình hình khó khăn vẫn khiến thu nhập ngoài lãi không thể kéo tăng lợi nhuận. Như tại BIDV, lợi nhuận trước thuế của BIDV trong quý 3/2023 đạt 5.893 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù thu nhập ngoài lãi quý 3 đã tăng 18,7% lên 4.103 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đến 22% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Techcombank, dù ngân hàng này có thu nhập ngoài lãi trong quý 3/2023 tăng 4% so với quý trước nhờ thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư và ngoại hối cùng thu nhập từ hoạt động dịch vụ nhưng kết quả kinh doanh quý 3/2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 13%, lợi nhuận lũy kế 9 tháng cũng giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, xét về cơ cấu, thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng thương mại vẫn chưa thực sự ổn định, trong đó thu nhập từ phí và hoa hồng bảo hiểm của các ngân hàng đang có dấu hiệu giảm từ giữa năm 2023 sau nhiều “lùm xùm”. Ở mảng thanh toán, thị trường cũng đã có dấu hiệu bão hòa sau 2 năm 2021-2022 cạnh tranh mạnh về miễn giảm phí dịch vụ để thu hút khách hàng… Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital lưu ý việc ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối sẽ bù trừ cho những khoản lỗ mà doanh nghiệp khác phải chịu khi tỷ giá biến động.

Thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dự báo, với tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay có nhiều khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao, kết quả hoạt động năm 2023-2024 có thể giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là tổ chức tín dụng quy mô nhỏ trong khi vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn