Ngân hàng tăng tốc tín dụng nửa cuối năm: “Cửa” đẩy vốn sáng nhất vẫn là bất động sản
Vietcombank không vì vội vàng tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát chất lượng tín dụng. Ảnh: Dũng Minh |
Tín dụng phân hóa, khởi sắc rõ rệt qua từng tháng
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho hay, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng của Vietcombank mới tăng 1,6% so với đầu năm, dù Ngân hàng đã thực hiện rất nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như: cải tiến quy trình cấp tín dụng, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến… Nguyên nhân là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.
Tuy tín dụng tăng thấp, song so với 3 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm, thì tín dụng 2 tháng qua của Vietcombank đã bật lên đáng kể. Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, trong 3 tháng đầu năm, tín dụng ngân hàng này suy giảm chủ yếu do cầu tín dụng bất động sản cá nhân giảm mạnh. Tuy vậy, trong tháng 4 và tháng 5/2024, thị trường bất động sản ấm lên, cầu tín dụng của người dân cũng tăng trở lại.
Với tình hình phục hồi tín dụng hiện nay, ông Tùng lạc quan vào tín dụng cả năm. Đặc biệt, mới đây, Vietcombank làm đầu mối thu xếp vốn, cùng với BIDV và VietinBank tài trợ 1,8 tỷ USD cho Dự án Sân bay Long Thành. Trong đó, riêng Vietcombank tài trợ 1 tỷ USD.
“Mặc dù tín dụng 5 tháng đầu năm tăng chưa được như kỳ vọng, song Vietcombank không vì vội vàng tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát chất lượng tín dụng. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn các dự án tốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, định hướng tín dụng cuối năm nay tăng 10-15%”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Trong khi đó, tại một số ngân hàng TMCP tư nhân, tín dụng tăng mạnh hơn. Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho hay, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng của ngân hàng này đã tăng 10%. Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gần 50%, tín dụng tăng 15,9%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 5/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,41% so với cuối năm ngoái, vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ (tăng 12,8%).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng tăng ở mức độ trên là phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngoài ra, tín dụng cũng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%, dự báo đến cuối tháng 6/2024 tăng 4-4,5%. Nhiều khả năng, tín dụng cả năm sẽ tăng 13-14%.
Bất động sản là “cửa” sáng nhất để đẩy vốn
Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. NHNN kỳ vọng, nửa đầu năm, tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng 5-6%. Trong công văn gửi các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất huy động, giảm 1-2% lãi vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Nhu cầu tín dụng tăng khả quan hơn trong thời gian tới.
- Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Lãi suất huy động trên thị trường tăng là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu tín dụng tăng khả quan hơn trong thời gian tới, bởi các ngân hàng luôn phải duy trì tỷ lệ nhất định giữa tiền gửi và tiền cho vay. Để nâng cao khả năng cho vay, các ngân hàng có thể có mục tiêu tăng khối lượng huy động thông qua biện pháp tăng lãi suất tiền gửi.
Dù vậy, trên thị trường, lãi suất vẫn đang nóng lên. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng chỉ tăng nhẹ lãi suất để người gửi đỡ thiệt thòi, mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức thấp trong nhiều năm qua. “Thông thường, lãi suất tăng có thể là do sức ép của lạm phát hoặc cầu tín dụng tăng. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, lãi suất trên thị trường tăng không phải do sức ép lạm phát, mà là do cầu vốn đã bắt đầu gia tăng”, ông Nghĩa nhận định.
Theo chuyên gia này, “cửa” đẩy vốn khả quan nhất hiện nay là lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh tín dụng bất động sản, cần thiết kế lại chính sách. Theo đó, phải thay đổi quan điểm đẩy mạnh nhà ở xã hội vì vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục, thay vào đó là tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ.
Ông Nghĩa cho rằng, nếu chỉ gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay, sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc, vì người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán.
TS. Cấn Văn Lực cũng tin tưởng thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn nhờ sự hoàn thiện hành lang pháp lý và yếu tố vĩ mô tích cực, từ đó tín dụng sẽ hồi phục tốt hơn. “Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính - ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn”, ông Lực đánh giá.
Theo UOB, tín dụng nửa cuối năm 2024 sẽ được hỗ trợ bởi lãi suất được giữ ổn định ở mức thấp. Ngoài ra, nền kinh tế cũng đang phục hồi, khả năng GDP Việt Nam sẽ tăng lên 6% trong quý II/2024 và duy trì mức này cho cả năm 2024. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5 đầu năm 2024 và đạt mức 50,3 điểm.
Đồng thời, sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so với cùng kỳ trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp trong những tháng đầu năm 2024. Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số trong tháng 5, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khả quan so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Xem thêm tại baodautu.vn