Ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn vốn trung, dài hạn
Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng phải tuân theo quy định về tỷ lệ tối đa, cụ thể hiện nay là 30%, tỷ lệ cho vay/tổng huy động vốn là dưới 85%, hệ số an toàn vốn phải trên 8%... Quy định này tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tiệm cận giới hạn
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống tại thời điểm 30/4/2024 ở mức 28,28%, tiệm cận giới hạn tối đa 30% quy định. Trong đó, ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là 23,59%, NHTM cổ phần vượt lên ngưỡng 40,36%.
Theo NHNN, hiện khoảng 80% tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, nên việc cho vay trung, dài hạn quá lớn sẽ khiến hệ thống chịu rủi ro chênh lệch kỳ hạn.
Đến cuối tháng 4, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 28,28%. |
Chia sẻ với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích, huy động vốn ngắn hạn từ 3 - 6 tháng nhưng lại cho vay trung dài hạn 3 - 5 năm, 10 năm. Vì vậy, khi không đủ vốn để trả cho người gửi thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn về vốn và tính thanh khoản sẽ gặp nguy hiểm, nên thông lệ quốc tế chỉ cho vay trung, dài hạn bằng nguồn vốn huy động trung, dài hạn.
Do đó, để đảm bảo quy định, hàng loạt ngân hàng gần đây đã tăng lãi suất huy động nhằm mục đích huy động vốn để cho vay lớn khi nền kinh tế đang hồi phục. Đồng thời, các nhà băng cũng tăng huy động nhằm củng cố nguồn vốn dài hạn đang bị thiếu hụt. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài luôn cao hơn đáng kể so với tiền gửi ngắn hạn là cách phổ biến mà các ngân hàng đang triển khai để thu hút nguồn tiền gửi trung, dài hạn. Mức chênh lệch có thể lên đến 2% tùy kỳ hạn và tùy từng ngân hàng.
Xu hướng tăng lãi suất huy động rộ lên từ tháng 5/2024 và đến nay đã bước sang tháng thứ 3. Mức lãi suất từ 5%/năm áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên nay đang được các nhà băng tăng lên đến 6%.
Chẳng hạn, mức lãi suất cao nhất lên đến 6,1% đang được NCB và OceanBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng. HDBank cũng công bố lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, trong khi SHB trả mức lãi suất này cho khách hàng gửi tiền từ 36 tháng trở lên.
Mặc dù vậy, tăng trưởng tiền gửi vẫn chậm, các ngân hàng đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh.
Những ngân hàng tăng trưởng mạnh cho vay và có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiệm cận mức trần 30% như NCB, VIB, Techcombank, MB,… được dự báo sẽ phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn trái phiếu dài hạn.
Một số ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn huy động (LDR) tiệm cận mức trần 85% theo quy định cũng sẽ cần phát hành trái phiếu. Thống kê cho thấy, đến cuối quý I/2024 có khá nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ LDR vượt 85%: MBBank, BIDV, Sacombank, SHB, BVBank, Eximbank, Vietcombank, HDBank, BacABank, NCB và VietABank.
Đẩy mạnh phát hành trái phiếu
Theo thống kê của VIS Rating, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104 nghìn tỷ đồng của năm 2019, và trái phiếu tăng vốn cấp 2 đóng góp 35% tổng giá trị phát hành.
Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường, không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu phát hành.
Theo các chuyên gia phân tích của FiinRatings, nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ tăng, để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.
VIS Ratings cũng dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới. Phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ do các ngân hàng quốc doanh phát hành. Trong 3 năm tới, dự báo gần 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi nhóm ngân hàng quốc doanh do trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành của các ngân hàng này bị giảm đáng kể do bị khấu trừ. Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao”, ông Nguyễn Đức Huy, chuyên viên phân tích VIS Ratings nhận định.
Bên cạnh đó, để có nguồn vốn dài hạn, ngân hàng không chỉ huy động từ cư dân mà còn tìm kiếm vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, VIB huy động thành công khoản vay hợp vốn trung dài hạn trị giá 280 triệu USD từ 13 định chế tài chính hàng đầu khu vực và thế giới... VPBank cũng tìm kiếm vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, thời gian cho vay trung bình từ 3 - 5 năm; gần đây nhất đã huy động được nguồn tài trợ lên tới 7 năm.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn